Biến chủng Delta và lạm phát nhăm nhe kéo tụt kinh tế Trung Quốc

Rủi ro kinh tế của Trung Quốc đang tích tụ trong nửa cuối năm nay, với tăng trưởng dự kiến sẽ giảm tốc còn áp lực lạm phát gia tăng.

Báo cáo ngày 9/8 cho thấy lạm phát đo lường theo giá xuất xưởng từ nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục tăng lên 9% trong tháng 7 khi giá hàng hóa leo thang. Trong khi đó, giá tiêu dùng lõi – không tính chi phí thực phẩm và nhiên liệu đầy biến động – tăng mạnh nhất trong 18 tháng.

Cùng lúc đó, sự lây lan của chủng Delta đang đe dọa triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III và cả năm 2021. Hai ông lớn Phố Wall cũng dự đoán ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ có thêm động thái hỗ trợ.

Diễn biến xấu đi của lạm phát và dịch COVID-19 là cơn đau đầu mới của các nhà hoạch định chính sách. Một số nhà kinh tế cho rằng rủi ro lạm phát sẽ hạn chế hành động của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, nhiều người lại coi môi trường tăng trưởng bấp bênh là mối lo lớn hơn với giới chức trách, và chính sách kinh tế sẽ được nới lỏng thêm.

Ông Xing Zhaopeng, nhà phân tích Trung Quốc cao cấp tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) nhận xét: "Khi đại dịch lan ra, nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ suy yếu và áp lực lạm phát tổng thể sẽ hạ nhiệt. Tuy giá cả hiện nay vẫn cao nhưng chúng không có nhiều động lực để đi lên tiếp. Do đó, lạm phát sẽ không tạo ra cản trở lớn đối với chính sách tiền tệ".

Nhà kinh tế David Qu tại Bloomberg Economics cũng cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế sau khi đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào giữa tháng 7.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục mất giá sau dữ liệu lạm phát, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 4 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ tháng 1, lên 2,85%.

Theo Bloomberg, lạm phát theo giá xuất xưởng từ nhà máy nhảy vọt chủ yếu do giá hàng hóa leo thang, đặc biệt là dầu và than. Bắc Kinh đã cố kiềm chế giá hàng hóa bằng cách giải phóng kho dự trữ chiến lược, trừng phạt nạn tích trữ và đầu cơ, và chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước giảm thiểu giá trị chịu rủi ro trên các sàn giao dịch nước ngoài.

Trong tháng 7, chỉ số CPI lõi đi lên 1,3% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu đang mạnh lên. Giá thực phẩm giảm 3,7% so với năm ngoái, chủ yếu là do giá heo lao dốc 43,5%.

Ông Zhou Hao, nhà kinh tế thị trường mới nổi cấp cao tại Commerzbank đánh giá: "Chỉ số giá sản xuất có lẽ sẽ ở mức khoảng 6% vào cuối năm. Khả năng Trung quốc hạ lãi suất là cực kỳ thấp".

Dữ liệu thương mại mới nhất cho thấy nhu cầu của thế giới đang hạ nhiệt, một lực cản khác đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc còn 19,3% trong tháng 7, thấp hơn so với dự báo, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt và dịch COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và vận chuyển tại một số khu vực của Trung Quốc. Cùng lúc, chi phí vận chuyển hàng hóa cao kỷ lục bóp nghẹt lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management đánh giá: "Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: lạm phát leo thang còn tăng trưởng chậm lại. Đại dịch xấu đi và tạo ra thêm gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2021 của Trung Quốc từ 9,1% xuống 8,9%. Goldman Sachs và Nomura cũng hạ ước tính tăng trưởng toàn năm của Trung Quốc xuống lần lượt là 8,3% và 8,2%.

Mục tiêu của Bắc Kinh là tăng trưởng GDP vượt quá 6% trong năm nay.

Giảm lãi suất

Ngày càng có nhiều đồn đoán PBoC sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi bất ngờ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng vào tháng 7. Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng đã cam kết bổ sung hỗ trợ cho nền kinh tế tại cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng trước.

Các nhà kinh tế của JPMorgan dự đoán Trung Quốc sẽ thực hiện hai đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 10 và tháng 1/2022, mỗi lần hạ 50 điểm cơ bản.

Các nhà kinh tế của JPMorgan viết hôm 9/8: "Tình hình đại dịch tiếp tục đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ. Tâm lý trên thị trường tài chính rất mong manh. Vẫn chưa rõ những diễn biến gần đây sẽ diễn ra như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến các khoản đầu tư tư nhân và dòng vốn".

(Theo Bloomnerg Economics)