Bloomberg: Mỹ tiến tới 1 thoả thuận thương mại số để đối đầu với Trung Quốc ở châu Á

Các chi tiết của thoả thuận vẫn đang được phác hoạ, nhưng thoả thuận này có thể bao gồm những nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận về việc đề xuất 1 thoả thuận thương mại số bao trùm các nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Các chi tiết của thoả thuận vẫn đang được phác hoạ, nhưng thoả thuận này có thể bao gồm những nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.

Thoả thuận sẽ lập ra những tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, bao gồm các quy tắc về sử dụng dữ liệu, thuận lợi hoá thương mại và các thoả thuận về thuế quan điện tử. Thoả thuận cũng cho thấy chính quyền của ông Biden quan tâm đến việc theo đuổi các cơ hội thương mại mới. Trong những tháng đầu tiên, ông Biden đã tập trung nhiều hơn vào củng cố các thoả thuận sẵn có thay vì tiến tới đàm phán xa hơn ở những thoả thuận với Anh và Kenya mà được thừa kế từ chính quyền Trump.

Và điểm quan trọng nhất ở đây là chính quyền Biden đã thể hiện những nỗ lực đầu tiên cho 1 kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế ở Indo-Pacific, khu vực quan trọng nhất thế giới cả về kinh tế và chiến lược nhưng ông Trump đã gây sốc khi quyết định rút khỏi TPP năm 2017.

1 quan chức Nhà Trắng khẳng định chưa có quyết định nào được đưa ra nhưng cho biết chính quyền Biden dự định làm sâu sắc hơn mối quan hệ với khu vực Indo-Pacific trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế số.

Những người ủng hộ thoả thuận này, ví dụ như cựu Phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler, cho rằng Mỹ có thể mở rộng những thoả thuận sẵn có trong khu vực như Thoả thuận thương mại số Mỹ - Nhật hay các thoả thuận giữa Singapore-Australia, Singapore-New Zealand-Chile. 1 thoả thuận thương mại số sẽ "đưa Mỹ quay trở lại trò chơi thương mại ở châu Á, trong khi Mỹ cũng xem xét việc quay trở lại với CPTPP".

Thoả thuận này có thể tránh được ít nhất là một trong số các rào cản chính trị đã cản bước các cuộc đàm phán thương mại trước, ví dụ như sự phản đối từ các liên đoàn lao động. Thoả thuận cũng không cần phải được Quốc hội thông qua, nơi sự phản đối của những nghị sĩ Dân chủ cấp tiến có thể khiến các thoả thuận thương mại bị trì hoãn tới vài năm.

"Một trong rất nhiều thách thức mà chính sách thương mại hiện đại gặp phải là cần cân bằng rất nhiều lợi ích trong 1 thoả thuận phức tạp bao trùm nhiều lĩnh vực từ sản xuất, lao động, nông nghiệp, dịch vụ đến môi trường", Nigel Cory, chuyên gia đang làm việc tại think-tank Information Technology & Innovation Foundation nói. "Đó là nhiệm vụ rất thách thức và phức tạp, mà các thoả thuận thương mại số sẽ khiến câu chuyện đơn giản hơn một chút".

Trước khi nhậm chức, ông Biden đã khẳng định sẽ không theo đuổi những hiệp định thương mại mới cho tới khi chính quyền của ông đã triển khai được những khoản đầu tư vào người lao động Mỹ.

(Theo Bloomberg)