Bộ trưởng Tài chính Mỹ và ông trùm Phố Wall cùng cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu chính phủ vỡ nợ

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan đang lên kế hoạch ứng phó cho khả năng Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Bộ trưởng Tài chính Yellen cảnh báo Quốc hội có hạn chót là ngày 18/10 để nâng trần nợ.

Hôm 28/9, CEO Jamie Dimon tiết lộ với Reuters rằng JPMorgan đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng Mỹ chạm trần nợ. Ông Dimon nói thêm rằng bản thân ông vẫn tin tưởng các nhà lập pháp sẽ tìm ra giải pháp để tránh sự kiện "có thể sẽ rất thảm khốc" này.

Trong cuộc phỏng vấn, Dimon cho biết ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã bắt đầu lập kịch bản cho tình huống Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và repo, hợp đồng khách hàng, tỷ lệ vốn ra sao, cũng như các tổ chức xếp hạng tín dụng sẽ phản ứng như thế nào.

Dimon cho biết: "Đây đã là lần thứ ba chúng tôi đã phải làm việc này. Mỹ vỡ nợ là sự kiện có thể sẽ rất thảm khốc".  "Mỗi lần vấn đề trần nợ nóng lên thì đều được khắc phục, nhưng đáng ra chúng ta không bao giờ phải tiến sát đến hiểm nguy như thế này. Tôi nghĩ tất cả mọi chuyện đều là sai lầm và một ngày nào đó Mỹ nên có đạo luật lưỡng đảng và loại bỏ hoàn toàn trần nợ. Nói chung mọi rắc rối đều xoay quanh chính trị", ông nói thêm.Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đang vội vã tìm cách nâng giới hạn vay nợ 28.400 tỷ USD của chính phủ trước khi Bộ Tài chính hết sạch các nguồn lực để thanh toán nợ vay của đất nước.

Các thành viên Đảng Dân chủ đã chuẩn bị bỏ phiếu để ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa và nước Mỹ vỡ nợ, nhưng khó có khả năng thành công do vấp phải sự chống đối của Đảng Cộng hòa.   

Tranh cãi khốc liệt về tài khóa đã trở thành đặc điểm của chính trị Mỹ trong thập kỷ qua do lưỡng đảng phân hóa sâu sắc. Trong hai năm 2011 và 2017, Mỹ chỉ đạt được thỏa thuận về trần nợ vào phút cuối cùng trước hạn chót.

Tuần trước, Bloomberg đưa tin Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gọi cho lãnh đạo của các công ty tài chính lớn nhất Phố Wall, kêu gọi họ tham gia chiến dịch gây áp lực buộc Đảng Cộng hòa đi đến thỏa hiệp. Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận.

CEO Jamie Dimon cho biết để chuẩn bị cho khả năng Mỹ không thể trả nợ, JPMorgan đang soát lại các hợp đồng với khách hàng – một quy trình tốn nhiều nguồn lực.

"Chúng tôi phải kiểm tra hợp đồng để cố dự đoán điều gì sẽ xảy ra… Nếu tôi nhớ không lầm thì lần cuối cùng chuẩn bị như thế này đã khiến JPMorgan tốn kém 100 triệu USD", Dimon nói.

Cảnh báo từ Bộ trưởng Tài chính

Hôm 28/9, Bộ trưởng Tài chính Yellen thông báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Quốc hội chỉ còn chưa đến ba tuần để giải quyết trần nợ và đưa nước Mỹ tránh khỏi thảm họa kinh tế.

Thư của bà Yellen viết: "Chúng tôi ước tính rằng rất có thể Bộ Tài chính sẽ cạn kiệt các biện pháp bất thường nếu Quốc hội không hành động để nâng hay tạm ngừng áp dụng giới hạn nợ chậm nhất là vào ngày 18/10. Đến thời điểm đó, chúng tôi dự kiến Bộ Tài chính sẽ chỉ còn một số nguồn lực rất hạn chế và sẽ nhanh chóng khô kiệt".

Trong một tuyên bố khác gửi đến các nhà lập pháp, bà Yellen cảnh báo rằng thất bại trong việc đình chỉ hoặc nâng trần nợ sẽ dẫn tới vụ vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.

"Quốc hội phải hành động nhanh chóng để xử lý trần nợ. Nếu không, Mỹ sẽ vỡ nợ - lần đầu tiên trong lịch sử. Niềm tin vào Mỹ sẽ bị tổn hại và nước ta rất có thể phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế".

Do Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ, các nhà kinh tế phải dựa vào dự báo và phỏng đoán để cố ước tính hậu quả kinh tế của một vụ vỡ nợ. Theo CNBC, hầu hết các nhà kinh tế có chung nhận định rằng vụ vỡ nợ sẽ mang đến thảm họa tài chính có thể kích hoạt bán tháo trên diện rộng, đẩy kinh tế xuống dốc và lãi suất tăng vọt.

Bà Yellen phát biểu trước Quốc hội: "Các vị sẽ chứng kiến lãi suất tăng vọt nếu trần nợ không được nâng. Tôi nghĩ khủng hoảng tài chính và thảm họa sẽ xảy ra. Và chắc chắn các khoản thanh toán lãi trên nợ chính phủ sẽ gia tăng".

(Theo Reuters - CNBC)