Chịu lỗ lớn, George Soros, Cathie Wood và nhiều nhà đầu tư Mỹ tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc

Đối với nhà đầu tư Mỹ, cổ phiếu Trung Quốc đang trở thành một thứ tài sản… không nên sở hữu.

Các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng như George Soros đã giảm mức độ tiếp xúc với cổ phiếu đại lục, quỹ ETF Ark của Cathie Wood cũng bán sạch những cổ phiếu tương tự. Trong khi đó, theo hồ sơ 13F, nhiều người đang nắm giữ lại đang thua lỗ.

Hiện tại, việc đặt cược ngược lại với cổ phiếu Trung Quốc đang là một trong những giao dịch sôi nổi nhất được thực hiện bởi các quỹ đầu tư mà Bank of America khảo sát. Tại London, Marshall Wace - một trong những quỹ phòng hộ lớn nhát thế giới, cho biết các ADR Trung Quốc đang không thể đầu tư.

Xu hướng đầu tư hiện tại là sự thay đổi lớn so với hồi đầu năm 2021, khi nhà đầu tư toàn cầu rót khoản tiền cho cổ phiếu Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây. Nhờ đó, MSCI China Index đã tăng lên mức đỉnh 27 năm.

Giờ đây, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu đang chật vật với khoản lỗ hàng nghìn tỷ USD, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu đến các lĩnh vực được cho là ảnh hưởng đến sự "thịnh vượng chung". Đợt bán tháo tiếp tục diễn ra trong tuần này, ngay cả khi MSCI China Index đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2005 so với S&P 500.

Áp lực về quy định ở cả Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng. Hôm 16/8, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) - Gary Gensler, đã cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu SEC "ngay lập tức tạm dừng" việc phê duyệt các đợt IPO của những công ty "vỏ bọc" mà doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để niêm yết.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - theo dõi 98 công ty lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã giảm 6 phiên liên tiếp, sau khi Bắc Kinh ban hành một bộ quy tắc mới nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh trực tuyến không lành mạnh.

Paul Marshal - đồng sáng lập quỹ đầu tư 59 tỷ USD Marshall Wace, cho biết việc Trung Quốc đưa ra động thái trấn áp các công ty công nghệ và giáo dục tư nhân đã ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư, dù giới chức đã tìm cách hạn chế thiệt hại. Vị tỷ phú này dự đoán rằng nhiều khả năng các đợt niêm yết mới sẽ chỉ được giới hạn ở đại lục.

MSCI China Index đã mất gần 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 2, chịu áp lực lớn từ mức giảm 90% của các công ty hàng đầu của lĩnh vực giáo dục như Tal Education Group và Gaotu Techedu. Trong khi đó, cổ phiếu Tencent - công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc, giao dịch gần mức thấp nhất trong 1 năm.

Ngược lại, S&P 500 tăng 13% trong năm vừa qua, còn MSCI All-Country World Index cũng tăng 6,9%. Trong khi các chiến lược gia Phố Wall tiếp tục hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu Trung Quốc, thì các nhà phân tích lại có quan điểm lạc quan nhất trong 2 thập kỷ đối với các công ty thuộc S&P 500.

Các khoản đặt cược giá xuống với cổ phiếu Trung Quốc ngày càng "nhộn nhịp". Theo khảo sát mới nhất của Bank of America với các nhà quản lý quỹ, khoảng 11% nhà đầu tư nhận thấy "bán khống cổ phiếu Trung Quốc" là giao dịch được thực hiện tích cực nhất, chỉ đứng sau "mua cổ phiếu công nghệ Mỹ" và "mua ESG".

Khoảng 16% nhà đầu tư được khảo sát cho rằng "chính sách của Trung Quốc" là mối rủi ro lớn nhất từ trước đến nay, chỉ đứng sau lạm phát, kịch bản "taper tautrum" (khi các NHTW đột ngột giảm quy mô của các gói hỗ trợ thị trường), Covid-19 và bong bóng tài sản.

Diễn biến xoay chiều hiện tại khiến các công ty Trung Quốc đang biến mất khỏi bảng xếp hạng các doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thế giới. Hiện tại, Tencent là công ty Trung Quốc duy nhất vẫn nằm trong top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới, sắp bị Visa "vượt mặt".

Song, một số nhà đầu tư nhận định đây là cơ hội "bắt đáy". Aberdeen Standard Investment đã mua cổ phiếu Tencent khi đang trượt giá và nắm giữ hầu hết cổ phiếu công nghệ lớn ở Trung Quốc, gần như không thay đổi trong đợt bán tháo gần đây. Chủ tịch khu vực châu Á của quỹ - Hugh Young, cho biết: "Tôi không thay đổi chiến lược ở Trung Quốc. Các quy định mới sẽ có lợi cho những nhà đầu tư lâu dài."

(Theo Bloomberg)