Dầu có tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2023

Giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt vọt 5.86% và 6.06% vào tháng 1/2024, mặc dù giá dầu giảm vào ngày thứ Tư sau khi hoạt động nhà máy ở Trung Quốc giảm tháng thứ 4 liên tiếp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/01, hợp đồng dầu WTI mất 1.97 USD (tương đương 2.53%) còn 75.85 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 1.16 USD (tương đương 1.40%) xuống 81.71 USD/thùng.

Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM, nhận định: “Dữ liệu sản xuất đã xác nhận quan điểm của chúng tôi rằng Trung Quốc, ít nhất ở thời điểm hiện tại, là trở ngại cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu”.

Mặc dù hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc gây áp lực lên thị trường, giá dầu vẫn tăng trong tháng qua nhờ tăng trưởng mạnh hơn dự báo của Mỹ, sự gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Mỹ do các cơn bão mùa đông, và những nổ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ đã phục hồi vào tuần trước sau các cơn bão mùa đông, với dự trữ dầu thô nội địa tăng 1.2 triệu thùng và sản lượng ước tính lên tới 13 triệu thùng/ngày.

Và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất không đổi vào ngày thứ Tư, nhưng cho biết cơ quan này cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng để hạ lãi suất.

Căng thẳng địa chính trị cũng đang sôi sục ở Trung Đông với việc Mỹ và Iran đứng trên bờ vực đối đầu trực tiếp, làm bật lên nguy cơ tiềm ẩn đối với nguồn cung dầu thô ở khu vực này.

Cho đến nay, phản ứng của thị trường dầu đối với căng thẳng ở Trung Dông vẫn khá im ắng bởi vì nguồn cung dầu thô không bị gián đoạn lớn. Các chuyên gia phân tích đã nhiều lần cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran có thể khiến giá dầu tăng vọt nếu có sự gián đoạn lớn ở eo biển Hormuz, điểm nghẽn quan trọng đối với dòng chảy dầu thô.