Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/11, hợp đồng dầu Brent tiến 2 xu lên 71.89 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 8 xu lên 68.12 USD/thùng.
Vào ngày 11/11, cả 2 hợp đồng dầu thô đều khép phiên ở mức thấp nhất kể từ ngày 29/10/2024.
Các chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định: “Xu hướng bình thường của dầu thô sau một đợt giảm mạnh sẽ là phục hồi trở lại khoảng giữa phạm vi của ngày hôm trước trong một vài phiên”.
OPEC đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và cũng hạ dự báo cho năm tới, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp của nhóm này.
Triển vọng yếu hơn nêu bật lên thách thức mà OPEC+ phải đối mặt, một nhóm bao gồm OPEC và các đồng minh như Nga. Tháng này, nhóm đã hoãn kế hoạch bắt tăng sản lượng vào tháng 12 trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh.
OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1.82 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm so với mức dự báo tăng trưởng là 1.93 triệu thùng/ngày hồi tháng trước.
Nhóm này cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống còn 1.54 triệu thùng/ngày từ 1.64 triệu thùng/ngày.
OPEC vẫn đứng đầu trong các ước tính của ngành và còn một chặng đường dài để khớp với quan điểm thấp hơn nhiều của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Vào ngày 08/11, Bắc Kinh đã công bố gói nợ trị giá 10 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.4 ngàn tỷ USD) để giảm bớt căng thẳng về tài chính của chính quyền các địa phượng. Cựu Tổng thống đảng Cộng hoà Donald Trump, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 05/11, đã de doạ sẽ áp thêm thuế đối với hàng hoá Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho biết kế hoạch của Trung Quốc không đạt được số tiền cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng khi nhà đầu tư tiếp tục đổ xô vào các giao dịch được hưởng lợi từ chiến thắng của ông Trump.
Đồng USD mạnh hơn làm dầu trở nên đắt đỏ hơn ở các quốc gia khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.