Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Dấu hiệu đáng ngại từ báo cáo lạm phát của Mỹ

Lạm phát của Mỹ tăng cao hơn dự kiến dù giá xăng giảm mạnh. Theo các chuyên gia, điểm đáng lo ngại nhất của báo cáo lạm phát là giá cả đã tăng cao trên diện rộng.

Theo CNBC, gần một năm qua, các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đã cho rằng động lực đằng sau lạm phát của Mỹ là giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.

Như vậy, chỉ cần những nút thắt trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ và giá năng lượng hạ nhiệt, áp lực lạm phát sẽ giảm xuống.

Nhưng báo cáo lạm phát tháng 8 của Mỹ đã nói lên câu chuyện khác. Giá cả đang tăng cao trên diện rộng. Điều này cho thấy lạm phát có thể dai dẳng hơn dự báo.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021.

Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm biến động, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát của Mỹ trong tháng 8 đã vượt dự báo của giới quan sát. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát cho rằng CPI sẽ giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá năng lượng giảm 5% trong tháng 8, kéo chỉ số giá xăng lao dốc 10,6%. Tuy nhiên, giá thực phẩm và chi phí ở tăng lần lượt 0,8% và 0,7%.

Như vậy, động lực chính của lạm phát không phải giá xăng, vốn đã giảm mạnh trong tháng 8. Đà giảm của giá năng lượng phần nào giúp hạ nhiệt lạm phát, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ mọi nỗi lo.

Thay vì nhiên liệu, giá thực phẩm, chỗ ở và các dịch vụ y tế đã đẩy lạm phát tăng cao trong tháng 8. Điều này giáng đòn vào những đối tượng dễ tổn thương nhất và đặt ra câu hỏi về nguồn cơn của bão giá.

"Giá đang tăng cao trên diện rộng. Từ giá xe mới, các dịch vụ y tế đến chi phí thuê nhà, tất cả đều tăng mạnh", ông Mard Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - cho biết. "Đó là điểm đáng lo ngại nhất của báo cáo (lạm phát)", ông bình luận.

Giá xe đã qua sử dụng giảm nhẹ, nhưng giá xe mới tăng 0,8% sau một tháng. Giá dịch vụ chăm sóc y tế tăng 5,6% so với năm ngoái và 0,8% so với tháng trước, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2019.

Chi phí thú y tăng tới 0,9% so với tháng 7 và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá thực phẩm tại nhà tăng 13,5% so với năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/1979. Những mặt hàng như trứng và bánh mì cũng đắt đỏ hơn nhiều.

Lạm phát sẽ giảm chậm

Tin tốt là giá vé máy bay, cà phê và trái cây đã lao dốc. Một cuộc khảo sát của FED chi nhánh New York chỉ ra người tiêu dùng Mỹ đang bớt lo ngại về lạm phát. Tuy nhiên, họ cho rằng lạm phát vẫn ở mức 5,7% trong vòng một năm tới.

Nhiều dấu hiệu chỉ ra áp lực đối với chuỗi cung ứng đang giảm đi. Điều này có thể giúp lạm phát hạ nhiệt.

Tuy nhiên, giá năng lượng khó có thể duy trì ở mức thấp. Mỹ và các quốc gia G7 đã lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga vào cuối năm nay. Nếu phía Moscow đưa ra các động thái trả đũa, giá năng lượng có thể tăng lên.

"Nếu Moscow cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt và dầu sang Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh, giá dầu có thể trở lại mức cao vào tháng 6, còn giá xăng thường trung bình sẽ vượt mức 3,7 USD/gallon hiện tại", ông Joseph Brusuelas - nhà kinh tế trưởng tại RSM - chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra là các động thái của FED. Giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất chuẩn ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới. Điều này sẽ đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2007.

"Giá cả ổn định khi lạm phát ở mức 2%. Đó là mục tiêu của FED. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt mục tiêu mà không gây tổn hại gì", bà Quincy Krosby - Giám đốc chiến lược vốn tại LPL Financial - nhận định.

"Không dễ để FED đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Nói chung, chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát giảm từng chút một. Nhưng khi nào thì ngân hàng trung ương Mỹ dừng lại?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

(Theo CNBC)

Chia sẻ: