Cái chết của bitcoin có thể nhanh chóng xóa sổ 2.000 tỷ USD vốn hóa của các loại tiền mã hóa khác và doanh nghiệp hưởng lợi từ sự bùng nổ của bitcoin. Thị trường chứng khoán cũng có thể bị vạ lây.
Sự mở rộng gần đây của vũ trụ tiền mã hóa là điều khiến mọi người phải kinh ngạc. Một năm trước, chỉ có khoảng 6.000 loại tiền được liệt kê trên trang web CoinMarketCap. Con số này ngày nay đã tăng gần gấp đôi lên 11.145. Tổng vốn hóa của chúng bùng nổ từ 330 tỷ lên 1.600 tỷ USD – tương đương GDP năm 2020 của Canada.
Số tiền mã hóa trên nằm trong 100 triệu ví kỹ thuật số, gấp ba lần so với số lượng năm 2018. Những người sở hữu tiền mã hóa cũng ngày càng khôn ngoan và dày vốn hơn: Nhà đầu tư tổ chức chiếm đến 63% giá trị giao dịch bitcoin, tăng mạnh từ mức 10% năm 2017.
Tuy nhiên, sự trưởng thành trên cũng không thể chế ngự được sự biến động điên cuồng vốn là đặc trưng của thị trường tiền mã hóa. Giá bitcoin lao dốc từ 64.000 USD trong tháng 4 xuống 30.000 USD vào tháng 5. Đến hôm nay, giá bitcoin dao động quanh ngưỡng 40.000 USD sau khi giảm sâu xuống 29.000 USD ngày 20/7.
Mỗi lần giá bitcoin đi xuống lại làm dấy lên câu hỏi là hậu quả và ảnh hưởng đến những thị trường khác sẽ nặng nề đến đâu. Để nắm bắt mối liên kết ngày càng tăng giữa thị trường tiền mã hóa và thị trường chính thống, hãy tưởng tượng rằng giá bitcoin giảm về 0.
Cú sụp đổ của bitcoin có thể được kích hoạt từ trong hệ thống, ví dụ như sai sót kỹ thuật hoặc vụ tấn công mạng lớn vào một sàn giao dịch hàng đầu. Cũng có thể giá trị của bitcoin sẽ bị xóa sổ bởi tác nhân bên ngoài như đợt trấn áp của các chính phủ.
Sự đổ vỡ của bitcoin có thể sẽ khiến nhà đầu tư bán tháo các loại tiền mã hóa khác. Chuyên gia Philip Gradwell của Chainalysis chỉ ra những lần biến động gần đây cho thấy bitcoin có sảy bước thì các loại tiền mã hóa khác cũng hụt chân.
Hậu quả sẽ là sự tàn phá của một lượng lớn của cải. Nhà đầu tư đã nắm giữ bitcoin lâu hơn một năm sẽ lỗ ít hơn vì mua vào với giá thấp (dù họ để vụt mất khoản lãi chưa thực hiện rất lớn). Chịu tổn thất nặng nề nhất các nhà đầu tư mua bitcoin cách đây dưới một năm với giá trung bình là 37.000 USD. Những người này bao gồm quỹ đầu cơ, quỹ đầu tư của trường đại học và một số công ty.
Ngoài tài sản kỹ thuật số, vốn hóa của các doanh nghiệp tiền mã hóa như sàn giao dịch cũng sẽ bốc hơi. Các công ty thanh toán như PayPal, Revolut và Visa sẽ mất đi một mảng kinh doanh ngon lành, kéo theo định giá giảm. Tương tự, các công ty hưởng lợi từ sự bùng nổ của tiền mã hóa ví dụ như nhà sản xuất chip Nvidia cũng sẽ thấm đòn.
Tổng cộng, tờ The Economist ước tính cơn chấn động đầu tiên sẽ xóa sổ 2.000 tỷ USD giá trị thị trường, nhiều hơn vốn hóa của Amazon.
Lây nhiễm sang các tài sản khác
Sự "lây nhiễm" có thể lan truyền qua một số kênh đến các đồng tiền mã hóa khác và tài sản chính thống.
Kênh đầu tiên là đòn bẩy. Một số sàn giao dịch cho phép đòn bẩy lên đến 100:1 trong các giao dịch bitcoin. Do vậy, chỉ một sự thay đổi giá nhỏ cũng có thể dẫn đến các cuộc gọi ký quỹ lớn.
Nếu nhà đầu tư không thể nộp thêm tiền, sàn giao dịch sẽ nhanh chóng thanh lý tài sản của khách hàng, càng khiến giá tiền mã hóa tuột dốc thê thảm. Các sàn giao dịch sẽ phải gánh khoản lỗ khổng lồ từ những món nợ khách hàng không trả được.
Để đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ, nhà đầu tư bitcoin có thể phải bán những tài sản thông thường khác để lấy tiền mặt.
Khó có thể đánh giá mức độ đòn bẩy trong hệ thống. Nhưng những lần thanh lý bắt buộc trong quá khứ cho chúng ta một cái nhìn về bao nhiêu giá trị chịu rủi ro. Chỉ riêng vào ngày 18/5, khi bitcoin mất gần 1/3 giá trị, giá trị bitcoin trong các vị thế dùng đòn bẩy bị bán giải chấp lên đến 9 tỷ USD.
Kênh lây nhiễm thứ hai là các stablecoin. Do quá trình chuyển đổi từ bitcoin sang USD khá chậm chạp và tốn kém, nhà đầu tư muốn hiện thực hóa khoản lãi và tái đầu tư tiền lời thường giao dịch qua stablecoin, gán giá trị theo đồng USD hoặc euro.
Tổng giá trị của các stablecoin – đại diện tiêu biểu nhất là Tether và USD coin – hiện nay là 100 tỷ USD.
Các nhà phát hành đảm bảo cho stablecoin bằng tài sản chính thống, như thương phiếu, các khoản vay có đảm bảo, tiền mặt, trái phiếu doanh nghiệp và kim loại quý. Sự sụp đổ của tiền mã hóa có thể khiến stablecoin cũng bị bán tháo ồ ạt, buộc nhà phát hành phải bán tài sản để mua lại stablecoin và duy trì "tỷ giá" với USD.
Ngày tàn của tiền mã hóa có thể tác động đến tâm lý chung vượt xa các cuộc bán tống.
Không khó để mường tượng ra trường hợp xấu nhất. Lãi suất thấp đã thúc đẩy nhà đầu tư trở nên liều lĩnh hơn. Sự sụp đổ của tiền mã hóa có thể khiến nhà đầu tư nguội lạnh với những tài sản rủi ro khác. Trong những tháng gần đây, mối tương quan giữa giá bitcion và cổ phiếu meme, và thậm chí là cổ phiếu nói chung, đã tăng.
Cuộc bán tháo sẽ bắt đầu với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy lớn nhất – thường là nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu cơ – trong các lĩnh vực rủi ro cao: cổ phiếu meme, trái phiếu rác, công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC). Những nhà đầu tư khác cũng sẽ bán theo, làm giảm thanh khoản của các tài sản rủi ro, có khả năng kéo cả thị trường chung đi xuống.
(Theo The Economist)
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024
3.
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 19/11
- 19/11/2024