Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm vào ngày thứ Tư (04/8 giờ Mỹ), sau khi kết lợi nhuận từ một công ty sản xuất ô tô lớn và báo cáo việc làm khu vực tư nhân thấp hơn dự báo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones rớt 323.73 điểm (tương đương 0.9%) xuống gần mức đáy trong phiên 34,792.67 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.5% xuống 4,402.66 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.1% lên 14,780.53 điểm. Đà giảm điểm trên thị trường chung xảy ra sau khi S&P 500 khép phiên ngày thứ Ba (03/8) ở mức cao kỷ lục.
Cổ phiếu General Motors lao dốc 8.9%, gây áp lực lên thị trường chung, sau khi hãng sản xuất ô tô báo cáo lợi nhuận quý 2 không đạt như kỳ vọng. General Motors đã nâng dự báo về chỉ số lợi nhuận chính trong thời gian còn lại của năm.
Báo cáo của ADP cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 330,000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với ước tính 653,000 việc làm. Báo cáo việc làm chính thức của Bộ Lao động Mỹ, vốn thường có tác động nhiều hơn đến nhà đầu tư, sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (06/8).
Báo cáo lợi nhuận các doanh nghiệp trong quý 2 và dữ liệu kinh tế nhìn chung khá mạnh mẽ, tuy nhiên, một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại rằng đà phục hồi từ đại dịch hồi năm ngoái sẽ chậm lại từ đây.
“Hiện tại, tôi nghĩ rằng thị trường đang tiến về phía trước một cách khá thận trọng với lý thuyết 3 đỉnh – khả năng đạt đỉnh về bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp, khả năng đạt đỉnh trong tăng trưởng kinh tế và khả năng đạt đỉnh ở các gói kích thích, cả về tài khóa lẫn tiền tệ”, Chris Osmond, Giám đốc đầu tư tại Prime Capital Investment Advisors, nhận định. “Trong khi lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế có thể đạt đỉnh, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ chuyển âm mà chỉ là giảm tốc độ”.
Các cổ phiếu theo chu kỳ liên quan đến sự phục hồi kinh tế là một trong số những cổ phiếu yếu kém nhất trong ngày thứ Tư. Nhóm cổ phiếu năng lượng sụt giảm, cùng với giá dầu, với cổ phiếu Chevron rớt 2.2%. Lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp, như cổ phiếu Honeywell, cũng gặp khó khăn. Cổ phiếu Coca-Cola mất 1.4%.
Báo cáo về thị trường lao động trong tuần này được đưa ra khi biến thể Covid-19 Delta đã lây lan khắp nước Mỹ, dẫn đến những áp đặt hạn chế và yêu cầu mới từ một số công ty và chính quyền địa phương.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang ở mức 1.18% vào ngày thứ Tư, sau khi tích tắc rớt mốc 1.13% hồi đầu phiên. Trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu thấp hơn có xu hướng tạo ra đà giảm giá cho chứng khoán, bằng cách gây ra lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế, mặc dù mối quan hệ đó dường như đã đổ vỡ vào ngày thứ Tư.
Lãi suất đã xóa bớt đà suy giảm sau khi chỉ số PMI Dịch vụ của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) trong tháng 7 đạt mức cao kỷ lục, vượt qua kỳ vọng. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Richard Clarida, cho biết vào ngày thứ Tư rằng ông dự báo Fed sẽ nâng lãi suất bắt đầu từ năm 2023 và có nguy cơ cao về lạm phát.
(Theo CNBC)
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024
3.
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 19/11
- 19/11/2024