Fan của bitcoin đột nhiên thành lực lượng chính trị đáng gờm ở Washington

Cuộc đối đầu về quy định thuế đối với các loại tiền mã hóa như bitcoin đã tập hợp một liên minh hiếm thấy giữa nhà đầu tư, sàn giao dịch, chuyên gia tài chính, ngôi sao truyền hình và các CEO.

Trước công chúng, diễn viên Ashton Kutcher, tỷ phú Elon Musk và Jack Dorsey đã khuấy động cuộc tranh cãi nảy lửa trên Twitter về đề xuất tăng cường giám sát thuế đối với các giao dịch tiền mã hóa trong dự luật 1.200 tỷ USD. Điều đó đã thúc đẩy hàng chục nghìn người dùng trên mạng xã hội gọi điện đến các thành viên Quốc hội Mỹ. 

Sau hậu trường, các nhà vận động hành lang, thành viên các hiệp hội thương mại và quản lý cấp cao của các công ty tiền mã hóa họp qua Google Meet, chia sẻ danh sách liên lạc và phối hợp với nhau để tiếp cận các nhà lập pháp.

Họ đã giành được sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Ron Widen, Pat Toomey và Cynthia Lummis để thúc đẩy cách tiếp cận thân thiện hơn với ngành tiền ảo. Nhóm này thậm chí còn thuyết phục được tác giả đề xuất đánh thuế tiền ảo là Thượng nghị sĩ Rob Portman thu hẹp định nghĩa về nhà môi giới tài sản kỹ thuật số. 

Chiến dịch này chỉ thất bại khi một thượng nghị sĩ duy nhất chặn thay đổi của dự luật vì một vấn đề không liên quan.

Tuy không thể thay đổi dự luật của Thượng viện, nhưng nỗ lực của các fan hâm mộ tiền mã hóa đã minh họa rõ rệt ảnh hưởng ngày càng tăng của lĩnh vực non trẻ này đối với Washington và thế giới tài chính.
Ông Brian Armstrong, CEO sàn giao dịch Coinbase nói: "Cộng đồng tiền mã hóa đã chứng tỏ mình là một bộ phận chính trị mạnh mẽ. Chúng ta đang thực sự trở thành tiếng nói lớn trong các nỗ lực chính sách ở Mỹ".

Các nhà vận động hành lang tiền mã hóa nói rằng họ có thể vẫn thắng thế khi Hạ viện bỏ phiếu dự luật cơ sở hạ tầng vào tháng tới hoặc khi Sở Thuế vụ (IRS) thi hành các quy tắc mới.

Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) Gary Gensler đã thể hiện rõ rằng Mỹ sẽ thắt chặt kiểm soát tiền mã hóa. Nhưng những người ủng hộ chính phủ tăng cường kiểm soát tiền mã hóa giờ đã biết đối thủ của họ có thể tập hợp với nhau theo quy mô lớn.

Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức và công ty tiền mã hóa chi khoảng 2,3 triệu USD cho vận động hành lang, tăng gấp đôi so với năm trước. Trong năm qua, 5 công ty và tổ chức tiền mã hóa đã lần đầu tiên thuê chuyên gia vận động. Và các tổ chức này đã bắt đầu thuê cố vấn có quan hệ trong Washington.
Faryar Shirzad, một cựu quan chức an ninh quốc gia và thương mại trong chính quyền các tổng thống Đảng Cộng hòa và Dân chủ, đã trở thành giám đốc chính sách của Coinbase vào tháng 6.

Bà Julie Stitzel, cựu quan chức tại Phòng Thương mại Mỹ, gia nhập Square với tư cách là trưởng bộ phận chính sách bitcoin cho ví tiền kỹ thuật số Cash App.

Ông Jerry Brito, CEO Coin Center, một tổ chức tiền mã hóa phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2014 cho biết: "Điều khác biệt giữa bây giờ và 7 năm qua là rất nhiều công ty đã thuê các chuyên gia chính sách kỳ cựu ở Washington. Chúng ta giờ đã có các đối tác để cùng phối hợp".

Cộng đồng bitcoin, tiền mã hóa đầu tiên và nổi tiếng nhất, lần đầu tiên có bước tiến dè dặt vào Washington trong chưa đầy một thập kỷ trước. Khi đó, các nhà lập pháp chẳng nghĩ gì về bitcoin. Nếu có thì họ cũng chỉ coi tiền mã hóa là phương tiện để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp như buôn lậu vũ khí và buôn bán tình dục, tờ Wall Street Journal nhận xét.

Bitcoin Foundation, tổ chức được thành lập vào năm 2012 để tạo dựng danh tiếng cho bitcoin, hầu như không đạt được thành quả nào.

Trong những năm đầu, các công ty tiền mã hóa không nghĩ rằng họ cần sự giúp đỡ ở Washington.

Ông Todd White, chuyên gia vận động hành lang nhận xét: "Trước đây, các doanh nghiệp tiền mã hóa không hiểu được sức mạnh của vận động hành lang. Họ mới chỉ mở mắt ra vào vài tuần trước, và giờ thực sự có cơ hội để chuyển mình".

Giống như bản chất phi tập trung của tiền mã hóa, ngành này không có một tiếng nói thống nhất ở Washington. Và chủ nghĩa tự do của phong trào bitcoin khiến rất nhiều tín đồ tiền mã hóa nghi ngờ và coi thường bất cứ hành động gì liên quan đến chính phủ.

Một số nhà vận động hành lang thừa nhận rằng những động lực trên khá rắc rối.

Năm 2020, Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất Mỹ, rời Blockchain Association, mạng lưới công ty này giúp thành lập hai năm trước đó. Rạn nứt xảy ra sau khi Blockchain Association trao tư cách thành viên cho đối thủ của Coinbase là Binance.

Sự chia rẽ trên là lý do nhiều người trong ngành không biết trước và không chuẩn bị cho đề xuất tăng cường giám sát thuế với giao dịch tiền ảo mà nghị sĩ Portman đưa ra.

Nhưng khi đề xuất của ông Portman được công bố vào cuối tháng 7, các nhóm tiền mã hóa đã tập hợp lại với nhau. Một tuyên bố chung gọi các yêu cầu này là "không thể thực hiện được" đã thu hút 5 bên ký kết, bao gồm Coinbase và Blockchain Asociations.

Coinbase đã liên hệ và nhận được sự đồng cảm từ Thượng nghị sĩ Wyden, người đã từng bảo vệ công nghệ mới nổi và quyền riêng tư cá nhân. Ông Wyden đã đệ trình một bản sửa đổi đối với dự luật cơ sở hạ tầng để thu hẹp định nghĩa về nhà môi giới tiền điện tử cùng với ông Toomey và bà Lummis.

Hai thượng nghị sĩ này có mối quan tâm không nhỏ với tiền mã hóa. Hồi tháng 6, ông Toomey đã đầu tư từ 2.000 đến 30.000 USD vào các quỹ tín thác bitcoin và ethereum. Bà Lummis tiết lộ nắm giữ khoảng 100.000-250.000 USD bitcoin, tờ Wall Street Journal cho biết.

(Theo Wall Street Journal)