Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Fed giảm lãi suất sẽ thúc đẩy dòng vốn chảy vào khu vực Đông Nam Á?

"Chúng tôi rất tự tin và lạc quan về việc cắt giảm lãi suất... các thị trường này sẽ sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng GDP thực tế 6-7%", Saurabh Agarwal, Giám đốc mảng đầu tư cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á tại Warburg Pincus, chia sẻ với chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC vào tháng trước.

Niềm tin của ông cũng được chia sẻ bởi các nhà kinh tế và quan chức tài chính trong khu vực. David Sumual, Chuyên gia kinh tế trưởng của Bank Central Asia, cho biết Indonesia là một trong những quốc gia có thể tận dụng được cả chính sách ngắn hạn và dài hạn của Fed.

"Việc Fed tiếp tục giảm lãi suất sẽ có lợi cho Indonesia chủ yếu thông qua kênh hàng hóa, nhờ vào khả năng tăng giá của hàng hóa, đặc biệt là với thông tin về gói kích thích tài khóa sắp tới của Trung Quốc. Indonesia cũng có thể hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư từ các nhà quản lý quỹ (đặc biệt là cổ phiếu), mặc dù tác động có thể bị hạn chế do nhu cầu mới trên thị trường chứng khoán Trung Quốc", ông nói với CNBC.

fed-giam-lai-suat.png

Lãi suất cao hơn ở Mỹ thường là một yếu tố tiêu cực đối với các thị trường mới nổi vì các nhà đầu tư Mỹ thường chuyển đồng USD của họ về nước để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Một mối lo ngại chính là chênh lệch lãi suất sẽ gây áp lực lên các đồng tiền thuộc thị trường mới nổi.

Ngược lại, lãi suất Mỹ giảm có thể thúc đẩy dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Hàng hóa toàn cầu (trụ cột của nhiều thị trường mới nổi) cũng có xu hướng tăng giá khi đồng USD giảm do Fed giảm lãi suất.

Bất ngờ từ Indonesia

Động thái bất ngờ của Indonesia càng làm nổi bật xu hướng này. Chỉ vài giờ trước quyết định của Fed, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã tiên phong cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau ba năm.

Henry Wibowo từ JPMorgan nhận định Indonesia sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ làn sóng dịch chuyển vốn mới. Đặc biệt, ngành ngân hàng - trụ cột của chỉ số tổng hợp Jakarta - được dự báo sẽ thu hút mạnh dòng vốn từ các quỹ đầu tư.

Ông Sumual bổ sung rằng trong quá khứ, lãi suất ở Indonesia thường bám sát Fed.

Sumual cho biết thêm rằng NHTW Indonesia "có thể chờ Fed cắt giảm thêm trước khi tiếp tục chiến dịch cắt giảm lãi suất, vì ngân hàng trung ương tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa chính sách tiền tệ ủng hộ ổn định và các chính sách vĩ mô thận trọng ủng hộ tăng trưởng."

Cả đồng Rupiah của Indonesia và đồng Baht của Thái Lan đều tăng giá so với USD sau quyết định của Fed, một phần nhờ các nhà đầu tư chuyển hướng từ trái phiếu Chính phủ Mỹ sang các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á.

Không chỉ đồng Rupiah và Bath, đồng Ringgit Malaysia và đồng Đôla Singapore cũng tăng giá sau đợt cắt giảm của Fed. Vào ngày 29/09, đồng Baht Thái chạm mức cao nhất so với USD kể từ đầu năm 2022.

Bài toán của Thái Lan

Tuy nhiên, đồng tiền mạnh đã đặt Thái Lan vào một tình thế khó xử.

Sau quyết định của Fed, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) xem xét cắt giảm lãi suất - hiện đang ở mức 2.5%, một trong những mức thấp nhất so với các nước láng giềng. Ông viện dẫn nhu cầu kích thích đầu tư và giảm bớt gánh nặng nợ hộ gia đình đối với người dân Thái Lan bình thường, hiện ở mức 90% GDP của Thái Lan.

"Mỗi khi Mỹ tăng hoặc giảm lãi suất, nó ảnh hưởng đến dòng vốn ra vào thị trường Thái Lan. Khi lãi suất chính sách của Mỹ giảm, nó cũng sẽ khiến đồng Baht mạnh lên, và ngược lại", Naripthaphan nói với giới truyền thông hồi tháng 8.

Đáp lại, BOT công bố một đợt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm vào ngày 16/10.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 9, Fitch Ratings dự báo Fed sẽ thực hiện bốn đợt cắt giảm từ nay đến năm 2025, với một đợt có thể diễn ra trước cuối năm nay. Ông Sumual tin rằng cả NHTW Indonesia và Thái Lan sẽ làm theo Fed, từ đó tiếp tục tạo cú huých cho thị trường tài sản ở ASEAN.

Chia sẻ: