Giá dầu hôm nay 13/1: Tiếp đà tăng 2% của phiên trước, dầu thô Brent vượt 84 USD

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi leo dốc vào phiên trước, nhờ nguồn cung thắt chặt và đồng USD yếu.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,05% lên 82,81 USD/thùng vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam) ngày 13/1. Giá dầu thô Brent giao tháng 3 cũng tăng 0,11% lên 84,84 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/1) lên mức cao nhất hai tháng, nhờ nguồn cung thắt chặt khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2018, và đồng USD yếu và lo ngại về biến thể Omicron suy yếu. 

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 413,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo trong một cuộc thăm dò của Reuters là tồn kho giảm 1,9 triệu thùng. 

Ông Matt Smith, trưởng nhóm phân tích dầu mỏ khu vực châu Mỹ tại Kpler, cho biết lượng dầu thô rút ra từ các kho vượt dự kiến mặc dù hoạt động lọc dầu chậm lại.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên 84,67 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,8% lên 82,64 USD.

Theo ông Smith, sự sụt giảm của đồng USD là động lực chính giúp giá dầu tăng cao, hơn cả báo cáo của EIA. Đồng bạc xanh yếu giúp các hợp đồng dầu trở nên rẻ hơn đối với những người mùa bằng ngoại tệ khác. 

Chỉ số USD Index đã giảm xuống mức thấp nhất hai tháng so với các đồng tiền đối thủ, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) tăng ôn định trong tháng 12. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index giảm 0,68% xuống 94,975.

Tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm trong 7 tuần liên tiếp, và tồn kho nói chung đang thắt chặt trên toàn cầu khi các nhà sản xuất lớn gặp khó khăn trong việc tăng nguồn cung, ngay cả khi nhu cầu tăng bất chấp số ca mắc biến thể Omicron leo thang. 

Các nhà sản xuất OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, vẫn duy trì sản lượng hơn 3 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu của Iran bị kìm hãm bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù OPEC+ đang nâng mục tiêu sản lượng hàng tháng, nhưng những khó khăn kỹ thuật đã khiến một số quốc gia không đạt được mức hạn ngạch đã đề ra. 

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế nước này có thể điều tiết sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 hiện tại, với tác động của biến thể mới chỉ tồn tại trong ngắn hạn và ngân hàng trung ương đã sẵn sàng cho việc bắt đầu chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

(Theo Reuters)