Giá dầu hôm nay 17/9: Tăng nhẹ trở lại

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi ổn định vào phiên trước, vì mối đe dọa từ cơn bão Nicholas đối với sản xuất dầu thô ở vùng Vịnh đã suy yếu.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,14% lên 72,66 USD/thùng vào lúc 6h44 (giờ Việt Nam) ngày 17/9. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 11 tăng 0,03% lên 75,62 USD/thùng. 

Giá dầu thô ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (16/9) sau khi leo đỉnh nhiều tuần, vì mối đe dọa từ cơn bão Nicholas đối với sản xuất dầu thô ở vùng Vịnh đã suy yếu. 

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,3% lên 75,67 USD/thùng. Giá dầu Brent chạm 76,13 USD, mức cao nhất kể từ ngày 30/7, trong phiên giao dịch trước đó (15/9).

Giá dầu thô WTI của Mỹ không đổi ở 72,61 USD sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 2/8 hôm 15/9.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết với giá quay trở lại mức cao nhất trong mùa hè, thị trường đang ghi nhận một số động thái chốt lời nhưng đà phục hồi vẫn được hỗ trợ tốt.

Các công ty năng lượng tại vùng Vịnh đã có thể nhanh chóng khôi phục dịch vụ đường ống và điện sau khi cơn bão Nicholas đi qua Texas vào đầu tuần này, cho phép họ tập trung vào nỗ lực sửa chữa những thiệt hại do cơn bão Ida gây ra vài tuần trước đó.

Nhà phân tích Nishant Bhushan của Rystad Energy nhận định vì cơn bão Nicholas không làm gián đoạn thêm hoạt động sản xuất, rất khó để thấy giá dầu có thể tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Trong khi đó công suất sản xuất dầu bị ảnh hưởng bởi bão Ida tiếp tục phục hồi.

Giá dầu đã tăng vọt trong phiên ngày 15/9, nhờ số liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6,4 triệu thùng trong tuần trước, vượt mức dự kiến trước đó, với các cơ sở khai thác dầu ngoài khơi vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của cơn bão Ida.

Dầu Brent đã tăng 45% trong năm nay, được hỗ trợ bởi thoả thuận giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, cùng với sự phục hồi nhu cầu tại một vài nơi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh vào năm ngoái. 

Dầu cũng được hỗ trợ từ việc giá điện tại châu Âu, vốn đã lên cao do các yếu tố gồm tồn kho khí đốt thấp và nguồn cung cấp khí đốt bình thường từ Nga thấp hơn, tăng vọt.

Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu tại trung tâm TTF Hà Lan đã tăng hơn 250% kể từ tháng 1, theo Reuters

Tuần này, báo cáo từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu sẽ tăng trên 100 triệu thùng/ngày sớm nhất vào quý II năm sau.

(Theo Reuters)