Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Giá dầu hôm nay 19/11: Giảm trở lại, neo quanh đáy 6 tuần

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng nay, dao động quanh mức thấp nhất trong 6 tuần, sau khi Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng kho dự trữ để hạ nhiệt giá dầu.

WTI của Mỹ giảm 0,14% xuống 78,22 USD/thùng vào lúc 6h45 (giờ Việt Nam) ngày 19/11. Giá dầu thô Brent giao tháng 1 cũng giảm 0,04% xuống 81,03 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng nhẹ vào phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/11) sau khi xuống đáy 6 tuần vì giới đầu tư thắc mắc về lượng dầu thô các nền kinh tế lớn sẽ giải phóng từ kho dự trữ và bao nhiêu là đủ để hạ nhiệt áp lực nhu cầu. 

Giá lao dốc xuống đáy 6 tuần vào đầu phiên, vì Trung Quốc cho biết sẽ sử dụng kho dự trữ sau khi Reuters báo cáo Mỹ kiến nghị các quốc gia tiêu thụ lớn xem xét giải phóng kho dự trữ để hạ nhiệt giá dầu. 

Việc Mỹ đưa ra đề nghị để hạ nhiệt thị trường diễn ra khi áp lực lạm phát, một phần do giá năng lượng tăng cao, bắt đầu tạo ra phản ứng chính trị. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ yêu cầu Trung Quốc tham gia một hành động phối hợp

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau tăng 1,2% lên 81,24 USD/thùng sau khi giảm còn 79,28 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 7/10. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,8% lên 79,01 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá xuống thấp nhất kể từ đầu tháng trước ở 77,08 USD. 

"Đánh giá phản ứng sự điều chỉnh nhẹ về giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay, thị trường dường như dự kiến một đợt giải phóng kho dự trữ hạn chế từ Trung Quốc", ông Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy cho biết.

Điều gì xảy ra sau đó vẫn chưa chắc chắn, ông Tonhaugen nói thêm, và lưu ý rằng việc phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu giữa các quốc gia tiêu thụ lớn chắc chắn sẽ khiến giá giảm thêm.

Giá dầu lên cao nhất 7 năm trong tháng 10 khi thị trường tập trung vào sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu cùng với việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Đà tăng được thúc đẩy một phần bởi chiến lược tăng sản lượng từ từ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+.

Trong những tuần gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC cho biết nguồn cung sẽ nhiều hơn trong những tháng tới.

Nhưng đề xuất giải phóng dự trữ là một thách thức chưa từng có đối với OPEC, vì nó liên quan đến nhà nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc.

Cục dự trữ quốc gia Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành giải phóng lượng dầu thô dự trữ mặc dù từ chối bình luận về yêu cầu của Mỹ.

Một quan chức Bộ công nghiệp Nhật Bản cho biết Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tokyo hợp tác trong việc giải quyết vấn đề giá dầu cao hơn. Theo luật, Nhật Bản không thể sử dụng kho dự trữ để hạ giá, quan chức này cho biết.

Một quan chức Hàn Quốc cũng xác nhận Mỹ đã yêu cầu Seoul giải phóng một lượng dầu dự trữ và họ đang xem xét yêu cầu nhưng nói thêm rằng họ chỉ có thể giải phóng dầu thô trong trường hợp mất cân bằng nguồn cung.

(Theo Reuters)

Chia sẻ: