Giá dầu hôm nay 27/12: Tiếp đà giảm

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm thêm trong phiên giao dịch sáng nay sau khi dứt chuỗi tăng ba ngày liên tiếp trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 73,35 USD/thùng vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam) ngày 27/12. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 2 giảm 0,47% xuống 76,16 USD/thùng. 

Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (27/12) sau khi dứt chuỗi tăng ba ngày liên tiếp trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Mối quan tâm của thị trường tập trung vào động thái tiếp theo của OPEC+, dự kiến nhóm họp vào đầu tháng tới, và tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu nhiên liệu. 

Mặc dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể mới của virus corona không gây ra nhiều trường hợp phải nhập viện, một số quốc gia vẫn áp dụng các lệnh giới hạn di chuyển mới vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể này.

Tại Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đã đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên sản xuất dầu và khí của khu vực, khiến sản lượng trong năm 2021 giảm xuống dưới 5 triệu thùng dầu/ngày lần đầu tiên kể từ năm 1998, một ngưỡng mà Rystad Energy cho rằng sẽ không có khả năng đạt được một lần nữa trong tương lai, dù có các dự án mới khởi động trong những năm tới.

Sản lượng dầu trung bình hàng ngày giảm xuống 4,86 triệu thùng/ngày vào năm 2021, giảm từ mức 5,06 triệu thùng/ngày của năm 2020 và giảm mạnh 12% so với khối lượng trước đại dịch là 5,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019, dữ liệu của Rystad Energy cho thấy.

Các nhà khai thác đã phải chật vật để lấy lại phần sản xuất bị thiệt hại do đại dịch gây ra khi phải giảm mức độ hoạt động trong bối cảnh thị trường dầu bị gián đoạn chưa từng có. 

Sự suy giảm được dự báo sẽ tiếp tục vào giữa thập kỷ này. Mặc dù khối lượng sẽ ổn định vào năm 2022, nhưng sản lượng sẽ giảm thêm 10% vào năm 2025, xuống còn khoảng 4,3 triệu thùng/ngày.

"Sản xuất dầu ở Đông Nam Á đã suy giảm trong gần 20 năm do thiếu các hoạt động phát hiện và xử phạt dự án trong khu vực. Mặc dù các biện pháp khuyến khích mới của chính phủ có thể giúp ích, nhưng sản xuất tại khu vực dự kiến giảm trong tương lai",  ông Prateek Pandey, phó chủ tịch một công ty thượng nguồn, cho biết.

Ngược lại, sản lượng khí đốt tự nhiên trong khu vực vẫn ổn định trong giai đoạn 2009 - 2019, đạt khoảng 20,8 tỷ feet khối/ngày. 

Sản lượng dự kiến sẽ giảm khoảng 2% trong năm nay so với năm 2020 xuống còn khoảng 19 tỷ feet khối. Nguyên nhân chủ yếu là sản lượng giảm tại các dự án cũ, gồm Mahakam, MLNG Dua và MLNG Satu PSCs, Yetagun.

(Theo Reuters)