Giá xăng dầu hôm nay 10/8: Tăng trở lại sau khi xuống thấp nhất 3 tuần vì lệnh hạn chế chống COVID-19 tại Trung Quốc

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm hơn 2% vào phiên trước xuống thấp nhất 3 tuần vì đồng USD mạnh và lo ngại các hạn chế chống COVID-19 mới ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể làm chậm sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,6% lên 66,89 USD/thùng vào lúc 7h45 (giờ Việt Nam) ngày 10/8. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng tăng 0,14% lên 69,32 USD/thùng. 

Giá dầu thô tiếp giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày Hai (9/8) xuống thấp nhất 3 tuần, kéo dài đà giảm sâu của tuần trước, vì đồng USD mạnh và lo ngại các hạn chế chống COVID-19 mới ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể làm chậm sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Cảnh báo nghiêm trọng của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu khiến tâm lý trên thị trường càng ảm đạm hơn sau khi đám cháy ở Hy Lạp tàn phá nhà cửa, rừng và các khu vực ở châu Âu hứng chịu lũ lụt kỷ lục vào tháng trước.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau giảm 2,4% xuống 69,04 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,6% xuống 66,48 USD. Đây là mức đóng cửa thấp nhất cho cả hai loại dầu kể từ ngày 19/7. 

Trong phiên giao dịch, có thời điểm giá dầu WTI đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.

Các ngân hàng Phố Wall như Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley đều hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vào thứ Hai (9/8), sau khi tăng trưởng xuất khẩu bất ngờ chậm lại và lo ngại COVID-19 đang bùng phát trở lại có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Trung Quốc đã báo cáo 125 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào đầu tuần, tăng so với 96 ca một ngày trước đó. Tại Malaysia và Thái Lan, các ca nhiễm mới đạt kỷ lục hàng ngày.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại hơn dự kiến trong tháng 7 sau khi các ca mắc COVID-19 mới bùng phát và lũ lụt nghiêm trọng, trong khi tăng trưởng nhập khẩu cũng yếu hơn dự kiến.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7 và giảm mạnh so với mức kỷ lục của tháng 6/2020.

Sự gia tăng của đồng USD, lên cao nhất trong gần ba tuần so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, cũng gây áp lực lên giá dầu sau khi báo cáo việc làm mạnh hơn dự kiến của Mỹ, được công bố vào cuối tuần trước, thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn sớm hơn. 

Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác, theo Reuters

Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic cho biết nền kinh tế Mỹ đang cải thiện nhanh hơn dự kiến và lạm phát đã ở mức có thể đáp ứng một phần điều kiện quan trọng cho việc bắt đầu tăng lãi suất.

Giá xăng giao sau của Mỹ giảm ít hơn so với dầu thô, khiến chênh lệch giá crack - một thước đo tỷ suất lợi nhuận lọc dầu - lên cao nhất kể từ khi đạt mức kỷ lục vào tháng 4/2020 khi giá dầu WTI nằm trong vùng âm.

(Theo Reuters)