Giá xăng dầu hôm nay 12/8: Quay đầu giảm sau khi tăng hơn 1% vào phiên trước

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tăng mạnh vào phiên trước, nhờ chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ không kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ tăng sản lượng dầu thô, và nỗ lực tăng sản lượng của OPEC là một kế hoạch dài hạn.

Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,04% xuống 69,22 USD/thùng vào lúc 7h25 (giờ Việt Nam) ngày 12/8. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng giảm 0,24% xuống 71,43 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày Tư (11/8), sau khi chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ không kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ tăng sản lượng dầu thô, và nỗ lực tăng sản lượng của OPEC là một kế hoạch dài hạn.

Thị trường cũng được củng cố bởi báo cáo chính thức cho thấy nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước, làm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chuyển hướng chú ý khỏi hoạt động sản xuất.

Giá dầu thô Brent tăng khoảng 35% trong năm nay, được hỗ trợ bởi thoả thuận hạn chế nguồn cung do OPEC dẫn đầu, ngay cả sau khi hợp đồng dầu ghi nhận mức giảm hàng tuần mạnh nhất trong 4 tháng vào tuần trước do lo ngại hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 1,15% lên 71,44 USD/thùng sau khi tăng 2,3% vào phiên thứ Ba (10/8). Đầu phiên, giá giảm xuống mức thấp 69,07 USD/thùng.

Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,41% lên 69,25 USD/thùng, sau khi tăng 2,7% hôm 11/8. Giá cũng giảm vào đầu phiên sau khi Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền ông Biden đã thúc giục OPEC và các đối tác thúc đẩy sản xuất.

Thị trường đã đảo chiều sau khi Nhà Trắng sau đó cho biết đang đàm phán với các thành viên OPEC và các đồng minh sản xuất dầu và hướng tới gắn kết lâu dài, nhưng không nhất thiết là một phản ứng tức thì. 

Chính quyền Washington nói thêm rằng họ không kêu gọi các nhà sản xuất Mỹ tăng cường sản xuất, điều này giúp thị trường tăng cao hơn. 

Tháng 7, OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh, đã thống nhất tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày so với tháng trước, bắt đầu từ tháng 8, cho đến khi sản lượng giảm còn lại được loại bỏ hết.

Các nhà sản xuất đang dần nới lỏng mức giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, khoảng 10% nhu cầu thế giới, được thực hiện vào năm 2020, khi nhu cầu dầu phục hồi sau đợt sụt giảm do đại dịch gây ra.

Trong khi đó, hôm 11/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tăng trưởng việc làm của Mỹ và hoạt động di chuyển ngày càng tăng đã thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong năm nay.

Dữ liệu công bố hôm 12/8 cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm vào tuần trước, trong khi dự trữ xăng xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Nhìn chung, dự trữ dầu thô đã giảm trong vài tuần nhờ nhu cầu tăng. 

(Theo Reuters)