Giá xăng dầu hôm nay 13/8: Tiếp đà giảm sau khi IEA cảnh báo sự phục hồi nhu cầu thế giới sẽ chậm lại

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sự lan rộng của biến thể Delta sẽ làm chậm sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới.

Giá dâu thô WTI của Mỹ giảm 0,42% xuống 68,8 USD/thùng vào lúc 7h25 (giờ Việt Nam) ngày 13/8. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng giảm 0,18% xuống 71,06 USD/thùng. 

Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày Năm (12/8), sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sự lan rộng của biến thể Delta sẽ làm chậm sự phục hồi của nhu cầu dầu thế giới.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau giảm 0,21% xuống 71,29 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá lên mức cao nhất ở 71,90 USD.

Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,32% xuống 69,03 USD.

Trong báo cáo hàng tháng, cơ quan giám sát năng lượng quốc tế cho biết sự gia tăng của nhu cầu dầu đã đảo chiều trong tháng 7 và dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm sau khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nhất khiến nhiều quốc gia phải đưa ra các biện pháp hạn chế một lần nữa.

"Tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 đã giảm mạnh hơn do các hạn chế COVID-19 mới được áp dụng ở một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt là ở châu Á, điều làm giảm khả năng di chuyển và sử dụng dầu", IEA cho biết.

"Chúng tôi ước tính  nhu cầu đã giảm trong tháng 7 vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm suy yếu hoạt động giao hàng ở Trung Quốc, Indonesia và các khu vực khác của châu Á".

IEA đưa ra mức giảm nhu cầu vào tháng 7 ở mức 120.000 thùng/ngày và dự đoán tăng trưởng sẽ thấp hơn 500.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm so với ước tính vào tháng trước, lưu ý một số thay đổi là do việc sửa đổi dữ liệu.

Trong khi đó, trong báo cáo hàng tháng công bố hôm 12/8, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự đoán về sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu dầu thế giới vào năm 2021 và 2022, bất chấp những lo ngại về sự lây lan của virus COVID-19.

Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi Mỹ thúc giục OPEC và các đồng minh của họ, được gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu để giải quyết vấn đề gia tăng của giá xăng dầu, vốn bị coi là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tháng trước, OPEC đã đồng ý tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày so với tháng trước, bắt đầu từ tháng 8, cho đến khi phần còn lại của mức giảm kỷ lục 10 triệu thùng/ngày, khoảng 10% nhu cầu thế giới, thực hiện vào năm 2020 được loại bỏ hoàn toàn.

(Theo Reuters)