Giá xăng dầu hôm nay 15/10: Tiếp đà tăng sau khi Arab Saudi từ chối nâng sản lượng

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Arab Saudi bác bỏ lời kêu gọi tăng lượng dầu khai thác đối với OPEC+.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,5% lên 81,72 USD/thùng vào lúc 7h20 (giờ Việt Nam) ngày 15/10. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 0,4% lên 84,53 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/10) sau khi nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Arab Saudi bác bỏ lời kêu gọi tăng lượng dầu khai thác đối với OPEC+ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết giá khí đốt tự nhiên tăng có thể thúc đẩy nhu cầu dầu tại các nhà máy phát điện.

Đà tăng chững lại sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự đoán do các nhà máy lọc dầu giảm sản lượng lâu hơn. 

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 82 US cent lên 84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong phiên có thời điểm giá lên cao nhất ở 84,50 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 87 US cent lên 81,31 USD.

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã bất ngờ tăng 6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức tăng khiêm tốn 702.000 thùng mà các nhà phân tích mong đợi. Sản lượng tăng cao hơn, đạt 11,4 triệu thùng/ngày. 

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết sản lượng dầu trong nước của Mỹ tiếp tục tăng đã đẩy thị trường đi xuống một chút. Nó sẽ làm giảm bớt một phần áp lực trên thị trường.

Còn theo IEA, nhu cầu dầu sẽ tăng nửa triệu thùng mỗi ngày khi ngành điện và các ngành công nghiệp nặng chuyển từ những nguồn năng lượng đắt hơn sang dầu thô, đồng thời cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể gây ra lạm phát và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022 lên 210.000 thùng/ngày và hiện dự kiến tổng nhu cầu dầu vào năm 2022 sẽ đạt 99,6 triệu thùng/ngày, cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.

Ở một diễn biến khác, Arab Saudi bác bỏ lời kêu gọi tăng sản lượng bổ sung cho OPEC+, nói rằng việc nhóm nới lỏng dần thoả thuận giảm sản lượng đang bảo vệ thị trường dầu khỏi những biến động giá mạnh như trên thị trường khí đốt tự nhiên và than.

Tại cuộc họp tháng này, OPEC vẫn giữ nguyên thỏa thuận trước đó là tăng sản lượng lên 400.000 thùng/ngày.

Các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ đã miễn cưỡng đầu tư vào việc tăng sản lượng sau nhiều năm lợi nhuận yếu. Sản lượng của Mỹ vẫn thấp so với kỷ lục cuối năm 2019 là gần 13 triệu thùng/ngày. Hôm 13/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng sẽ phục hồi lên 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

(Theo Reuters)