Giá xăng dầu hôm nay 17/11: Giảm trở lại khi đồng USD mạnh

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng nay vì áp lực từ đồng USD mạnh, sau khi biến động nhẹ vào phiên trước với triển vọng tồn kho thắt chặt trên toàn cầu được bù đắp bởi dự báo về sự gia tăng sản lượng trong những tháng tới.

Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,18% xuống 79,56 USD/thùng vào lúc 6h48 (giờ Việt Nam) ngày 17/11. Giá dầu thô Brent giao tháng 1 giảm 0,16% xuống 82,25 USD/thùng. 

Giá giảm trong phiên giao dịch sáng nay vì đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,54% lên 95,922.

Giá dầu thô biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/11) vì triển vọng tồn kho thắt chặt trên toàn cầu được bù đắp bởi dự báo về sự gia tăng sản lượng trong những tháng tới và lo ngại về các ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Âu.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau tăng 0,5% lên 82,43 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,2% xuống 80,76 USD/thùng.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết thị trường dầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong ngắn hạn, điều này sẽ hỗ trợ cho giá cả.

Trong khi giám đốc điều hành của Trafigura, ông Jeremy Weir, nhận định thị trường dầu mỏ toàn cầu bị thắt chặt là do nhu cầu trở lại mức trước đại dịch.

Sản lượng dầu từ mỏ Permian, nằm ở Texas và New Mexico, được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày vào tháng 12, do sự gia tăng của nhu cầu kinh tế.

Dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng tuần thứ 4 liên tiếp, với các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo mức tăng khoảng 1,4 triệu thùng trong tuần trước.

Báo cáo đầu tiên trong số hai báo cáo về nguồn cung hàng tuần, từ Viện Dầu mỏ Mỹ, sẽ được đưa ra vào cuối ngày 16/11.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà phục hồi của thị trường dầu có thể suy yếu do giá cao có thể tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là ở Mỹ.

IEA cho biết họ dự kiến giá dầu Brent trung bình đạt khoảng 71,50 USD/thùng vào năm 2021 và 79,4 USD vào năm 2022.

Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo cho biết ông dự kiến nguồn cung dầu sẽ thặng dư sớm nhất là vào tháng 12 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.

Tuần trước, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021, giảm 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, do giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Lo ngại về nhu cầu suy yếu cũng đè nặng khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm của đại dịch COVID-19, khiến một số chính phủ xem xét việc áp dụng lại các biện pháp phong toả, trong khi Trung Quốc đang chống chọi với sự lây lan của đợt bùng phát lớn nhất do biến thể Delta gây ra.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xem xét việc khai thác kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ để hạ nhiệt đà tăng của giá dầu. Tuy nhiên, quyền chủ tịch Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết việc giải phóng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR) có thể sẽ chỉ tác động ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ.

(Theo Reuters)