Giá xăng dầu hôm nay 17/5: Tăng nhờ triển vọng nhu cầu lạc quan

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay nhờ lạc qua về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, sau khi những tín hiệu tích cực cho thấy dịch COVID-19 tại quốc gia này đã giảm từ những khu vực bùng phát mạnh.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,03% lên 111,85 USD/thùng vào lúc 6h59 (giờ Việt Nam) ngày 17/5. Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 2,25% lên 114,06 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/5), nhờ lạc qua về sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, sau khi những tín hiệu tích cực cho thấy dịch COVID-19 tại quốc gia này đã giảm từ những khu vực bùng phát mạnh.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 2,4% lên 114,24 USD, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 3,4% lên 114,2 USD. 

Hôm 16/5, một quan chức thành phố Thượng Hải cho biết thành phố đặt mục tiêu mở cửa và cho phép cuộc sống bình thường trở lại cho 25 triệu người dân từ ngày 1/6, sau khi tuyên bố rằng 15 trong số 16 quận của thành phố đã không còn các ca nhiễm bệnh nằm ngoài khu vực cách ly.

Tuy nhiên, ước tính có 46 thành phố ở Trung Quốc đang bị áp dụng lệnh phong toả, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm, sản lượng nhà máy và việc sử dụng năng lượng.

Theo ông Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tại Mizuho, thị trường đang thấy nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu sẽ bắt đầu quay trở lại ở khu vực đó, hỗ trợ giá tăng cao hơn.

Cùng với sản lượng công nghiệp giảm mạnh bất ngờ trong tháng 4, lượng dầu thô chế biến của Trung Quốc giảm 11%, với sản lượng hàng ngày đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo Reuters. 

Giá xăng giao sau của Mỹ lập lại mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch cùng ngày khi kho dự trữ giảm làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy các dự trữ trong Khu Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược giảm xuống còn 538 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1987.

Giá dầu cũng tìm thấy một số hỗ trợ khi các nhà ngoại giao và quan chức của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lạc quan về việc đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu. 

Tuy nhiên, hôm 16/5, các ngoại trưởng EU đã không thành công trong nỗ lực gây áp lực buộc Hungary dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu mỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết khối liên minh sẽ cần thêm vài ngày để đạt được sự thống nhất. 

(Theo Reuters)