Giá xăng dầu hôm nay 18/8: Biến động trái chiều sau phiên giảm thứ 4 liên tiếp

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp vì đồng USD mạnh và số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Nhật Bản ảnh hưởng tới bức tranh nhu cầu yếu tại châu Á.

Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,08% lên 66,39 USD/thùng vào lúc 7h15 (giờ Việt Nam) ngày 18/8. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 10 giảm 0,09% xuống 69,05 USD/thùng. 

Giá dầu thô giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Ba (17/8) vì đồng USD mạnh và số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Nhật Bản ảnh hưởng tới bức tranh nhu cầu yếu tại châu Á.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 0,7% xuống 69,03 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 1% xuống 66,59 USD/thùng.

Đồng USD tăng phiên thứ hai liên tiếp, được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn, đã gây áp lực lên giá dầu, vì khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,57% lên 93,148.

Các nguồn tin thị trường cho biết giá tiếp tục giảm trong phiên giao dịch muộn sau khi dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm như kỳ vọng vào tuần trước. 

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho hay mức hỗ trợ đối với dầu WTI là 65 USD.

"Nếu giá giảm xuống thấp hơn, đây sẽ là một bước đột phá kỹ thuật đáng kể và chắc chắn phản ánh lo ngại nghiêm trọng về tăng trưởng trong những tháng tới khi biến thể Delta của virus corona làm gia tăng các lệnh hạn chế trên toàn thế giới", ông Erlam nói. 

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã mở rộng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các khu vực khác hôm 17/8, và công bố các biện pháp mới ở 7 quận khác để chống lại sự gia tăng đột biến về số ca mắc COVID-19, vốn đang đe dọa hệ thống y tế.

Các quỹ đầu cơ và nhà quản lý tiền tệ đã giảm các vị thế mua ròng đối với dầu thô của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 trong tuần tính đến ngày 10/8, do số ca nhiễm COVID-19 bùng phát trở lại ở một số quốc gia làm giảm hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng đốiv ới các chuyến bay đường dài.

Trong khi đó, dữ liệu công bố hôm 16/8 cho thấy hoạt động chế biến dầu thô hàng ngày ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp nhất vào tháng trước kể từ tháng 5/2020 khi các nhà máy tư nhân cắt sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho cao và lợi nhuận suy yếu.

Tăng trưởng sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc cũng chậm lại và không đạt được kỳ vọng trong tháng 7, do đợt bùng phát COVID-19 mới và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.

(Theo Reuters)