Giá xăng dầu hôm nay 21/4: Giảm nhẹ, nhưng neo trên 100 USD/thùng

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng nay sau khi tương đối ổn định vào phiên trước, vì giới đầu tư đánh giá tác động của lo ngại gia tăng về tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu dầu chậm lại với sự thắt chặt của nguồn cung toàn cầu.

Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,27% xuống 102,17 USD/thùng vào lúc 5h57 (giờ Việt Nam) ngày 21/4. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 giảm 0,02% xuống 107,23 USD/thùng. 

Giá dầu thô gần như không đổi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/4), vì giới đầu tư đánh giá tác động của lo ngại gia tăng về tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu dầu chậm lại với sự thắt chặt của nguồn cung toàn cầu. 

Theo John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, thị trường đã bỏ qua dữ liệu lạc quan cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm, vì lo ngại về lạm phát kinh tế kèm suy thoái gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. 

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 8 triệu thùng trong tuần trước, nhờ xuất khẩu tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn hai năm.

“Chúng ta đang ở trong một môi trường nhu cầu không chắc chắn, với các lệnh đóng cửa liên quan đến đại dịch ở Trung Quốc vẫn được áp dụng và với dữ liệu kinh tế toàn cầu kém được công bố thường xuyên", ông Kilduff nói.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau giảm 0,7% xuống 106,53 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giảm 0,7% xuống 101,86 USD.

Cả hai loại dầu thô đều giảm khoảng 5% hôm 19/4 sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần một điểm phần trăm, với lý do khủng hoảng Nga - Ukraine tác động tới nền kinh tế và cảnh báo rằng lạm phát đã trở thành một mối nguy hiểm rõ ràng hiện nayy đối với nhiều quốc gia. 

Việc tiếp tục phong toả thành phố ở Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và đang gây áp lực lên giá cả.

Giá dầu đã được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn sau các lệnh trừng phạt chống lại Nga - nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp chính của châu Âu - về hành động quân sự tại Ukraine.

Một nguồn tin EU nói với Reuters rằng Ủy ban châu Âu (EC) đang nỗ lực tăng nguồn cung sẵn có của các nguồn cung cấp năng lượng thay thế để cố gắng giảm chi phí sau khi cấm khai thác dầu của Nga và thuyết phục Đức cũng như các quốc gia EU miễn cưỡng chấp nhận biện pháp này. 

(Theo Reuters)