Giá xăng dầu hôm nay 26/9: Tăng khoảng 1% nhưng neo dưới 90 USD/thùng

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô phục hồi trong phiên giao dịch sáng nay sau khi lao dốc vào cuối tuần trước, vì đồng USD mạnh và lo ngại về suy thoái kinh tế khiến nhu cầu nhiên liệu sụt giảm.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,1% lên 79,61 USD/thùng vào lúc 7h02 (giờ Việt Nam) ngày 26/9. Giá dầu thô Brent giao tháng 11 cũng tăng 0,66% lên 85,59 USD/thùng. 

Giá dầu tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai (26/9) sau khi mất khoảng 5% vào cuối tuần trước vì môi trường vĩ mô tiêu cực. 

Giá đã giảm gần 40% kể từ tháng 2, thời điểm Nga tấn công Ukraine, với dầu WTI lên mức đỉnh gần 130 USD/thùng và dầu thô Brent gần đạt 140 USD. 

“OPEC+ vẫn tin rằng các yếu tố cơ bản về cung và cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá tăng, nhưng giá dầu thô tiếp tục giảm”, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Timipre Marlin Sylva cho biết hôm 22/9, thay mặt cho nhóm liên minh. 

“Chúng tôi không biết chính xác mình có thể làm gì để khắc phục điều này, nhưng công cụ duy nhất mà chúng tôi có là giảm sản lượng nếu giá xuống quá thấp", ông Sylva nói thêm. 

Cũng về nguồn cung, các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã bị đình trệ khi chính quyền Tehran kiên quyết dừng các cuộc điều tra của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, theo đó làm giảm bớt kỳ vọng về sự phục hồi xuất khẩu dầu thô của Iran. 

Tổng số giàn khoan dầu và khí đốt tại Mỹ đã tăng thêm 1 giàn vào tuần trước, theo dữ liệu từ Baker Hughes.

Cụ thể, tổng số giàn khoan đã tăng lên 764 trong tuần tính đến ngày 23/9, tăng 243 giàn so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số giàn khoan dầu tăng thêm 3 lên 602 giàn, nhưng số giàn khoan khí đốt giảm 2 xuống 160. 

Tại Iraq, quốc gia Trung Đông đã bắt đầu vận hành thử tại nhà máy lọc dầu Karbala ở phía nam thủ đô Baghdad,Bộ dầu mỏ nước này cho biết hôm 25/9. Nhà máy lọc dầu này có công suất sản xuất 140.000 thùng dầu/ngày.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu dầu thô của Đức tăng 13,5% trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi hóa đơn tăng hơn gấp đôi do giá cao hơn, theo Reuters.

Nga vẫn là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm 30,5% thị phần nhập khẩu dầu của Đức trong giai đoạn này.

(Theo Reuters)