Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Giá xăng dầu hôm nay 29/7: Giảm trở lại sau khi dầu Brent tiến sát ngưỡng 75 USD/thùng

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch sáng nay sau khi dầu thô Brent tiền gần mức 75 USD/thùng vào phiên trước nhờ dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ giảm xuống mức trước đại dịch.

Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,08% xuống 72,33 USD/thùng vào lúc 7h30 (giờ Việt Nam) ngày 29/7. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng giảm 0,12% xuống 73,78 USD/thùng. 

Giá dầu thô tăng gần 75 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (28/7) sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ giảm xuống mức trước đại dịch, thu hút sự chú ý của thị trường trở lại sự thắt chặt của nguồn cung thay vì số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 0,4% lên 74,74 USD/thùng, sau khi ghi nhận đợt giảm đầu tiên trong 6 ngày vào phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/7). Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1% lên 72,39 USD.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7 nhờ nhập khẩu thấp và sản lượng hàng tuần giảm. Dự trữ xăng cũng giảm xuống mức trước đại dịch. 

Sản phẩm xăng được đưa ra thị trường, một thước đo nhu cầu, đã đạt mức trung bình trong 4 tuần là 9,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 10/2019, theo dữ liệu của EIA.

Giá dầu đã tăng 45% trong năm nay, nhờ sự phục hồi nhu cầu và thoả thuận hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+.

Nhóm đã đồng ý tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 8, nới lỏng việc giảm nguồn cung kỷ lục của năm ngoái, nhưng mức này được một số nhà phân tích cho là quá thấp so với mức nhu cầu phục hồi dự kiến trong năm nay.

Cho đến nay, phản ứng về nguồn cung của Mỹ khi giá cao hơn cũng đã yên ắng trở lại. Nhà sản xuất dầu Hess Corp cho biết sản lượng có thể mất hơn 4 năm để đạt được mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 ngày càng tăng trên toàn thế giới, bất chấp các chương trình tiêm chủng, đã hạn chế đà tăng của giá dầu và vẫn là một mối lo ngại, theo Reuters.

Nhu cầu xăng ở Mỹ và châu Âu đã bắt đầu ổn định. Các nhà phân tích lưu ý rằng mức nhu cầu trước đại dịch trên toàn cầu có thể không được ghi nhận cho đến năm sau nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng và tốc độ tiêm chủng chậm lại dẫn đến những thay đổi về cấu trúc trong nhu cầu.

Hôm 28/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn đi đúng hướng bất chấp số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, và gợi ý về các cuộc đàm phán đang diễn ra xung quanh việc giảm dần hỗ trợ chính sách tiền tệ cuối cùng. 

Ngân hàng trung ương vẫn giữ lãi suất ở mức 0%.

(Theo Reuters)

Chia sẻ: