Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Giá xăng dầu hôm nay 5/5: Dầu Brent trở lại trên 110 USD khi EU tiến gần tới lệnh cấm dầu thô Nga

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng thêm trong phiên giao dịch sáng nay sau khi leo dốc hơn 5% vào phiên trước, vì EU đưa ra kế hoạch loại bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga, dấy lên lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn nữa.

Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,32% lên 108,16 USD/thùng vào lúc 7h16 (giờ Việt Nam) ngày 5/5. Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng tăng 0,51% lên 110,57 USD/thùng. 

Giá dầu thô bật tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/5) vì Liên minh châu Âu (EU), khối liên minh lớn nhất thế giới, đưa ra kế hoạch loại bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga, dấy lên lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn nữa.

Dầu thô đã tăng đều đặn trong hai tháng qua sau khi Moscow tấn công Ukraine. Cho đến nay, EU vẫn miễn cưỡng loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, và các kế hoạch của họ vẫn không đề xuất một lệnh cấm hoàn toàn đối với tất cả thành viên EU. 

Châu Âu nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày, và cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Moscow.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, cho biết lượng dầu tồn kho quá khan hiếm, vì vậy khi nói về lệnh cấm này, có rất nhiều câu hỏi về việc (châu Âu) sẽ làm thế nào để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. 

Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau tăng 4,9% lên 110,14 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 5,3% lên 107,81 USD/thùng.

Hôm 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất một lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đối với Nga, cũng như trừng phạt ngân hàng hàng đầu của quốc gia này.

Các biện pháp của Ủy ban gồm cả loại bỏ dần nguồn cung cấp dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022, bà Ursula von der Leyen cho biết và cũng cam kết sẽ giảm thiểu tác động của động thái này đối với các nền kinh tế của châu Âu.

Tuy nhiên, Hungary và Slovakia sẽ có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga cho đến cuối năm 2023 theo các hợp đồng hiện có, một nguồn tin EU nói với Reuters.

Nga có thể bù đắp sự mất mát của một trong những khách hàng chính của mình bằng cách bán dầu cho các nhà nhập khẩu khác như Ấn Độ và Trung Quốc. Không quốc gia nào khác ngừng mua hàng từ Moscow.

(Theo Reuters)

Chia sẻ: