Giá xăng dầu hôm nay 7/10: Biến động trái chiều sau khi giảm gần 2%

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi lao dốc vào phiên trước vì tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.

Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,37% xuống 77,14 USD/thùng vào lúc 6h34 (giờ Việt Nam) ngày 7/10. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 12 tăng 0,09% lên 80,85 USD/thùng. 

Giá dầu thô giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (6/10) sau khi lên đỉnh nhiều năm, vì tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng khiến người mua bán ra sau những đợt tăng chóng mặt gần đây. 

Đợt tăng giá mới nhất của giá dầu thô được củng cố bởi việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh từ chối thúc đẩy sản lượng và lo ngại về nguồn cung năng lượng thắt chặt trên toàn cầu.

Hôm 4/10, OPEC, Nga và các đồng minh khác, được gọi là OPEC+, đã chọn tuân theo kế hoạch tăng sản lượng dần dần và không đẩy mạnh khai thác hơn nữa khi Mỹ và các quốc gia tiêu thụ khác thúc giục.

Ông Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM nhận định một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khi mùa đông ở Bắc bán cầu sắp bắt đầu và tạo tiền đề cho giá dầu lên cao hơn nữa.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã giảm 1,8% xuống 81,08 USD. Trong phiên, có thời điểm giá Brent đạt 83,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,9% xuống 77,43 USD, sau khi tăng lên 79,78 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 vào đầu phiên.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, trong khi giới chuyên gia dự đoán giảm nhẹ 418.000 thùng, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết. 

Đáng chú ý, sản lượng của Mỹ đã tăng lên 11,3 triệu thùng/ngày, phục hồi sau đợt đóng cửa liên quan đến bão cách đây hơn một tháng để tăng lên gần mức cao trước đại dịch, nhưng vẫn còn cách xa kỷ lục 13 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 2019.

Tuy nhiên, với việc các công ty dầu đá phiến hạn chế việc khoan dầu để tập trung vào lợi nhuận của nhà đầu tư, sản lượng của Mỹ không thể bù đắp nỗ lực hạn chế xuất khẩu của OPEC+.

Giá dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm nay, làm gia tăng áp lực lạm phát, yếu tố có thể làm chậm sự phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong khi giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu và giá than từ các nhà xuất khẩu lớn cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA, cho biết giá hai loại hợp đồng dầu thô đều rơi vào tình trạng quá mua dựa trên một chỉ báo kỹ thuật được theo dõi rộng rãi, chỉ số sức mạnh tương đối.

(Theo Reuters)