Kinh tế Mỹ đang như thế nào trước thềm bầu cử tổng thống?
- byInvest318
- Th10 28, 2024
Kinh tế Mỹ vẫn vững vàng
Theo nhiều thước đo, nền kinh tế Mỹ đã lấy lại được sức mạnh của mình, khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 với mức tăng trưởng tương tự như giai đoạn trước năm 2020. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang tăng trưởng vững chắc, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và thị trường lao động cũng đã cân bằng lại, vẫn ở gần mức trước đại dịch. Điều quan trọng hơn cả là lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, và đang tiến gần đến mức mục tiêu hàng năm mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đề ra là 2%.
Điều khiến nhiều nhà dự báo ngạc nhiên là sự phục hồi đó xảy ra ngay cả khi Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm qua nhằm hạ nhiệt lạm phát. Theo truyền thống, những đợt tăng lãi suất như vậy thường dẫn đến suy thoái kinh tế. Nhưng cho đến nay, Mỹ đã tránh được nguy cơ này và dường như đang hướng tới một “cuộc hạ cánh mềm”, tức là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong khi thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ bất chấp những tác động tiêu cực từ lãi suất ở mức cao.
“Trong 35 nghiên cứu kinh tế, tôi hiếm thấy khi nào nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt như hiện nay”, ông Mark Zandi - chuyên gia Kinh tế trưởng của Moody’s Analytics chia sẻ với CBS MoneyWatch và cho biết “tôi sẽ chấm cho nền kinh tế này điểm A+”.
Giống như ông Zandi, nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá cao nền kinh tế Mỹ. Một báo cáo của Yardeni Research hôm 17-10 lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt, trong khi các nhà phân tích tại Oxford Economics đánh giá thị trường việc làm tại Mỹ vẫn cho thấy khả năng phục hồi tốt. Tốc độ tuyển dụng dù có chậm lại, nhưng vẫn tương đối mạnh khi các doanh nghiệp đã bổ sung thêm 254.000 việc làm vào tháng 9, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế.
Chi tiêu tiêu dùng tiếp tục mạnh mẽ
Các báo cáo mới nhất cũng cho thấy người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn dự kiến cho các loại hàng hóa khác nhau. Doanh số bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ không bao gồm ô tô và xăng cũng tăng 0,7%, đều cao hơn mức dự báo.
Ông Mickey Chadha, Phó chủ tịch của Moody’s Ratings, cho biết: “Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế nói chung khi xét đến áp lực từ việc giá cả liên tục ở mức cao đối với ví tiền của người tiêu dùng”.
“Xu hướng cơ bản trong chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ”, ông Michael Pearce, Phó giám đốc phụ trách kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, cho biết trong một lưu ý. Ông nhận định, việc thị trường việc làm phục hồi và lãi suất giảm có khả năng thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng trong năm tới.
Đây cũng là cơ sở để ngành bán lẻ Mỹ hướng tới một kết quả tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) mới đây cho biết tổng chi tiêu tại Mỹ trong dịp lễ hội cuối năm vào tháng 11 và 12-2024 sẽ đạt khoảng 980-989 tỉ đô la, tăng từ 2,5-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Matthew Shay, Chủ tịch NRF, nhận định “nền kinh tế Mỹ nhìn chung đã ở trong trạng thái tốt trong năm nay, hoạt động với nền tảng vững chắc. Nền kinh tế tiêu dùng và ngành bán lẻ chắc chắn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sức mạnh đó, dù người tiêu dùng đã có phần thận trọng hơn”.
Người dân Mỹ có tâm lý bi quan về kinh tế
Tuy nhiên, trái ngược với các chuyên gia kinh tế, nhiều cử tri Mỹ lại tỏ ra kém lạc quan hơn hẳn. Khảo sát được CBS News thực hiện cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có 6 người mô tả nền kinh tế Mỹ hiện tại là “tệ” hoặc “rất tệ”.
Những kết quả tương tự cũng được ghi nhận tại các cuộc khảo sát khác. Theo cuộc thăm dò của CB News đối với các cử tri Mỹ trong giai đoạn từ ngày 8 đến 11-10, cứ 10 người được hỏi chỉ có 1 người tin rằng nền kinh tế đang trong tình trạng rất tốt. Còn theo một cuộc khảo sát mới được Gallup thực hiện, khoảng 52% số người Mỹ cho biết, tình hình kinh tế của họ và gia đình họ đang tệ hơn so với bốn năm trước.
Các chuyên gia kinh tế như Mark Zandi cũng phải thừa nhận, “sự khác biệt giữa đánh giá lạc quan của các nhà kinh tế và quan điểm của người dân Mỹ chưa bao giờ lại lớn như vậy”.
Sự bất đồng trong quan điểm về nền kinh tế giữa các chuyên gia và người dân Mỹ phản ánh một số yếu tố. Yếu tố đầu tiên và có lẽ là cấp bách nhất trong ngắn hạn, là việc giá cả trên khắp nước Mỹ vẫn ở mức cao ngay cả khi tình trạng lạm phát dữ dội sau đại dịch đã dần hạ nhiệt về mức bình thường.
Thứ hai, các nhà kinh tế được giao nhiệm vụ phức tạp là giải mã nền kinh tế trị giá 29.000 tỉ đô la, dĩ nhiên phải dựa vào một số dữ liệu chung như GDP, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia.
Tuy nhiên, các dữ liệu như vậy, ngay cả khi được củng cố bằng các cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng và các biện pháp đánh giá tâm lý công chúng khác, vẫn không nắm bắt được thực tế tài chính phức tạp hơn nhiều mà các gia đình đang phải đối mặt.
Đối với nhiều người Mỹ, nhận thức của họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự biến động về tốc độ tăng trưởng kinh tế hoặc mức tăng trưởng việc làm hàng tháng. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến những khó khăn hàng ngày trong việc chi trả cho thực phẩm, tiền thuê nhà và chăm sóc sức khỏe.
Thứ ba, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng về của cải và thu nhập đã khiến nhiều thế hệ người Mỹ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi các cột mốc tài chính truyền thống, chẳng hạn như sở hữu nhà, ngày càng trở nên khó đạt được hơn.
Và cuối cùng, các cuộc thăm dò cũng cho thấy sự phân cực chính trị đang làm thay đổi đáng kể quan điểm của mọi người về nền kinh tế. Cuộc thăm dò của CBS News cho thấy, đối với một người ủng hộ đảng Cộng hòa, đánh giá về nền kinh tế thường sẽ tiêu cực hơn so với một người ủng hộ đảng Dân chủ. “Với một đảng viên Cộng hòa, dù có đưa ra bất kỳ số liệu nào cũng không quan trọng. Họ sẽ không nghĩ rằng nền kinh tế đang tốt”, chuyên gia Zandi lưu ý.
Yếu tố kinh tế tác động tới kỳ bầu cử tổng thống Mỹ
Những nghi ngờ về thành tựu kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả của cuộc bầu cử sắp tới. Nhiều thành viên đảng Dân chủ lo ngại Phó Tổng thống Kamala Harris hiện vẫn chưa thể thuyết phục được cử tri rằng, bà sẽ là ứng cử viên tổng thống có thể quản lý nền kinh tế tốt hơn, trong khi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng để đạt lợi thế về phiếu bầu tại các bang chiến trường.
Cuộc thăm dò của Wall Street Journal cũng chỉ ra một phần lớn cử tri vẫn lo ngại về việc giá cả tăng cao và họ cảm thấy ông Trump sẽ là lựa chọn tốt hơn để kiểm soát tình hình này. Trong số các cử tri lo ngại về lạm phát, ông Trump nhận được tới 71% sự ủng hộ, vượt trội so với bà Harris.
Vị cựu tổng thống cũng sở hữu lợi thế lớn nhờ khả năng thúc đẩy nền kinh tế mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19 trong nhiệm kỳ của mình. Ông Trump cũng từng nhiều lần lập luận rằng, chương trình nghị sự kinh tế của bà Harris không có gì mới mà chỉ là sự nối tiếp các chính sách của Tổng thống Joe Biden, vốn không được cử tri tín nhiệm.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về các chính sách kinh tế của ông Donald Trump. Một cuộc thăm dò khác của Wall Street Journal cho thấy, hai phần ba số chuyên gia kinh tế được hỏi tin rằng các đề xuất chính sách của ông Trump sẽ khiến lạm phát và nợ công tăng cao hơn so với các đề xuất của bà Harris.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang tới gần, các thành viên đảng Dân chủ hy vọng rằng những tin tức kinh tế tích cực gần đây, như lạm phát hạ nhiệt và thu nhập hộ gia đình tăng trở lại mức trước dịch Covid-19, có thể giúp bà Harris nâng cao vị thế. Quyết định của Fed về việc cắt giảm lãi suất cũng có thể góp phần cải thiện tình hình.
Giới phân tích khuyến cáo bà Harris cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để chứng minh khả năng quản lý kinh tế của mình, cũng như phản bác lại danh tiếng của ông Trump. Ông James Carville, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ, nói: “Bà Harris cần thuyết phục cử tri rằng họ sẽ mất đi lợi ích nếu ông Trump trở lại nắm quyền”.