Bất chấp những dấu hiệu cảnh báo, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt cược rằng Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái.
Bloomberg cho rằng đó là một ván cược nguy hiểm. Theo nghiên cứu của Goldman Sachs về các quỹ tương hỗ và phòng hộ nắm khối tài sản 5.000 tỷ USD, đội ngũ quản lý quỹ vẫn ưu tiên những cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế, chẳng hạn các công ty công nghiệp và nhà sản xuất hàng hóa.
Các cổ phiếu thuộc nhóm ngành tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu, vốn thường tăng trưởng tốt trong thời kỳ suy thoái, hiện không được ưa chuộng.
Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kìm hãm lạm phát mà không tạo ra suy thoái kinh tế.
Ván cược nguy hiểm
2phiên giao dịch ngày 2/12 và 5/12 đã cho thấy đó là những ván cược nguy hiểm. Các dữ liệu về thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách.
Theo Bloomberg, điều này có thể dẫn tới một sai lầm chính sách. "Những khoản đầu tư hiện tại cho thấy các quỹ đang nghiêng về kịch bản 'hạ cánh mềm'", nhóm chiến lược gia của Goldman Sachs - bao gồm chuyên gia David Kostin - viết trong một ghi chú.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang mạo hiểm hơn.
Trên thực tế, họ đã tăng nắm giữ tiền mặt và bán khống cổ phiếu trong năm nay, khi Fed bắt tay vào chiến dịch chống lạm phát quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhưng đằng sau chiến lược phòng thủ là xu hướng đầu tư nghiêng theo chu kỳ, tức đi ngược với những lo ngại của số đông.
Trong một cuộc khảo sát của Bank of America với các nhà quản lý quỹ vào tháng trước, 77% trong số những người được hỏi cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới, cao nhất kể từ sau đại dịch.
Có thể các quỹ chậm điều chỉnh danh mục đầu tư, và những khoản đầu tư hiện tại không thể phản ánh đánh giá của họ về triển vọng kinh tế.
Các quỹ cũng có thể phòng vệ rủi ro thông qua những chiến lược khác, chẳng hạn giữ tiền mặt.
Hy vọng vào "hạ cánh mềm"
Một lời giải thích hợp lý hơn là giới đầu tư hy vọng rằng Fed có thể tạo ra một cuộc "hạ cánh mềm". Trong trường hợp này, mọi tín hiệu đáng ngại của nền kinh tế đều được coi là tin tốt.
Bởi chúng cho thấy chiến lược của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát huy tác dụng, và ngân hàng trung ương Mỹ có thể nhẹ tay hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Đó là lý do chỉ số S&P 500 tăng hơn 10% so với đáy tháng 10, ngay cả khi dữ liệu trong các lĩnh vực như nhà ở và sản xuất ngày càng xấu đi.
Ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Nhưng điều ngược lại đang xảy ra. Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 2/12, tăng trưởng việc làm tại Mỹ vượt xa dự kiến bất chấp những nỗ lực của Fed.
Trong tháng 11, tổng số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ vẫn tăng 263.000 việc làm, vượt mức ước tính 200.000 việc làm của Dow Jones. Thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính. CNBC nhận định đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực chống lạm phát của Fed.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 482,78 điểm, tương đương 1,4%. Chỉ số s&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 72,86 điểm (1,79%) và 221,56 điểm (1,93%).
"Thị trường là con tin của Fed. Và ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chưa dừng tay cho đến khi nền kinh tế thực sự 'bị thương'. Rất tiếc, điều này vẫn chưa xảy ra", CNBC dẫn lời nhà quản lý quỹ Jim Cramer bình luận.
(Theo Bloomberg & CNBC)
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 26/11
- 26/11/2024
3.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 25/11
- 25/11/2024
4.
Nhận định xu hướng cặp AUDUSD ngày 22/11
- 22/11/2024
5.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024