Kinh tế Nga gồng mình chống chọi đòn trừng phạt từ phương Tây

Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trước những lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Nhưng giới quan sát cho rằng triển vọng sẽ ảm đạm trong dài hạn.

Theo Bloomberg, Nga đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà đất nước này đang đối mặt. Trước khi đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2 năm nay, Moscow tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD và tạo ra chiếc "rương chiến tranh" khổng lồ.

Với doanh thu khổng lồ từ dầu khí, nền kinh tế Nga có thể chống chịu với những đòn trừng phạt tài chính mạnh tay từ phía phương Tây. Theo nhà báo Clara Ferreira Marques của Bloomberg, Nga có thể không tránh khỏi một cuộc suy thoái, nhưng kinh tế nước này không thể sụp đổ.

Còn theo ông Scott Johnson tại Bloomberg Economics, Nga có thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn của hệ thống tài chính trong ngắn hạn. Nhưng các tác động từ đòn trừng phạt sẽ kéo dài.

Chưa sụp đổ

Dù vậy, ông Johnson cho rằng rất khó để áp đặt lệnh trừng phạt lên một nước xuất khẩu hàng hóa lớn, mà không gây ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa. "Rất khó để tạo ra tình trạng hỗn loạn tài chính ở Nga, trừ khi các vị chặn nguồn thu từ việc xuất khẩu năng lượng của nước này", vị chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Johnson, điều này sẽ khiến các nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã vạch ra 4 yếu tố của cuộc khủng hoảng tài chính có thể ảnh hưởng đến Nga. Đó là tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng, đồng RUB rơi tự do, khủng hoảng tín dụng và vỡ nợ", vị chuyên gia của Bloomberg Economics nhận định.

"Giới chức Nga đã thành công trong việc ngăn chặn 2 nguy cơ đầu tiên, nhưng có khả năng thất bại đối với 2 vấn đề còn lại", ông cảnh báo. Vị chuyên gia cho rằng Moscow cần cho phép hạ lãi suất và nới lỏng kiểm soát vốn hơn nữa.

Theo ông, ban đầu, việc đồng RUB sụp đổ có thể kích hoạt lạm phát tăng cao. Nhưng điều đó không xảy ra. Thay vào đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và mua hoảng loạn đã đẩy giá lên nhanh hơn nhiều.

Do đó, lạm phát của Nga đã áp sát ngưỡng 17% trong tháng 3. Vào tháng 4, lạm phát có thể ở gần mức 20% và tăng tốc hơn nữa vào những tháng tới.

Khi hàng tồn kho giảm, nguồn cung có thể bị gián đoạn hơn nữa, cú sốc sẽ kéo dài. "Cho đến nay, lạm phát là cái giá mà các hộ gia đình Nga phải trả cho cuộc chiến ở Ukraine", chuyên gia Johnson nhận định.

Điều này làm giảm sức mua và thu nhập thực tế. Doanh số bán xe đã lao dốc trong tháng 3. Đó là kết quả của việc giá tăng cao, gián đoạn nguồn cung và những hạn chế tài chính.

Tâm lý e ngại cũng đè nặng lên chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tình trạng bất ổn sẽ kéo dài chừng nào chiến tranh còn diễn ra. Điều này tác động lớn tới đầu tư tư nhân.

Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin sẽ gặp khó trong việc vừa đối phó với các lệnh trừng phạt, vừa xây dựng lại vùng đệm tài khóa. Chừng nào chính phủ còn đang lo ngại về những lệnh trừng phạt mới, họ sẽ cẩn trọng với số tiền phải bỏ ra.

Nhưng theo ông Johnson, với giá năng lượng ở mức hiện tại, ngay cả khi xuất khẩu bị gián đoạn, giá dầu Nga lao dốc, Nga vẫn thu về gần 1 tỷ USD doanh thu năng lượng mỗi ngày.

Dĩ nhiên, ngân sách của Moscow cần tăng lên để chi tiêu cho cỗ máy chiến tranh và bù đắp tác động đối với thu nhập của người dân. Nhưng ông Johnson cho rằng Nga sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc này.

Câu hỏi đặt ra là các lệnh trừng phạt có tác động tới những quyết định mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hay không. Trên thực tế, rất khó để khẳng định rằng các lệnh trừng phạt có thể thay đổi cách ông Putin hành động ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt vẫn hiệu quả ở một số khía cạnh. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã rút khỏi Nga, tạo ra những đòn trừng phạt ngầm bên cạnh các đòn giáng khác.

"Nhưng thực tế là nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Nga không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt", vị chuyên gia tại Bloomberg Economics nhận định.

Nhà báo Clara Ferreira Marques của Bloomberg đặt câu hỏi liệu có thể hạn chế nguồn thu của Moscow, nhưng không tác động lên các nền kinh tế châu Âu hay không. Một trong những giải pháp là tập trung vào dầu mỏ, vốn là nguồn thu đáng kể của Nga.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một số nền kinh tế châu Âu, nhất là Đức, sẽ chịu tác động lớn bởi lệnh cấm này.

Tác động kéo dài

"Các nền kinh tế châu Âu có thể nhanh chóng tìm cách giảm phụ thuộc vào Nga. Điều này tốn kém, nhưng vẫn sẽ diễn ra", ông Johnson nhận định.

Nhưng theo ông Johnson, châu Âu có thể dễ dàng thay thế dầu Nga, nhưng Nga cũng sẽ có khả năng tìm thị trường khác như châu Á. Chẳng hạn, Ấn Độ và Trung Quốc đã tìm cách tăng mua dầu Nga với giá rẻ. Ấn Độ còn tranh thủ nhập khẩu than đá của Nga.

Nhập khẩu than từ Nga vào Ấn Độ trong tháng 3 đã tăng lên mức kỷ lục trong vòng 2 năm. "Thêm vào đó, Nga vẫn là nước xuất khẩu hàng hóa lớn, không chỉ các sản phẩm năng lượng", vị chuyên gia nói thêm.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, mức độ suy thoái kinh tế của Nga sẽ phụ thuộc vào việc cuộc chiến kéo dài bao lâu và kết thúc như thế nào. Nhưng khó có giải pháp nào có thể xóa bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.

Ông Johnson cho rằng GDP của Nga sẽ lao dốc 10% trong năm nay, dù tình hình có thể còn nhiều thay đổi.

"Nhưng câu hỏi đặt ra là tốc độ phục hồi sẽ như thế nào", ông nhận định. Nhìn xa hơn, những trở ngại từ các lệnh trừng phạt được áp dụng từ năm 2014 (sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea) đang tăng lên đáng kể.

Điều này có thể cản trở dòng chảy công nghệ và nhân tài đối với nền kinh tế. Đáng nói, đó là 2 yếu tố quan trọng để nền kinh tế giảm phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và năng lượng.

"Do đó, tác động của các lệnh trừng phạt đối với kinh tế Nga sẽ là dài hạn", ông Scott Johnson kết luận.

(Theo Bloomberg)