Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Lo sợ lĩnh vực công nghiệp sụp đổ, châu Âu “vã mồ hôi” với bài toán áp trần giá khí đốt

Thủ tướng Bỉ nói “chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hoá khổng lồ trên đại lục châu Âu và những hậu quả lâu dài của việc đó có thể sẽ rất nghiêm trọng”...

Châu Âu có thể phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của hoạt động sản xuất công nghiệp và gia tăng bất ổn xã hội nếu không hành động nhanh chóng để kéo giá năng lượng xuống khi mùa đông đến gần - Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo.

Trong một cuộc trao đổi với tờ Financial Times, ông De Croo nói rằng nếu không can thiệp vào thị trường khí đốt, “chúng ta có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hoá khổng lồ trên đại lục châu Âu và những hậu quả lâu dài của việc đó có thể sẽ rất nghiêm trọng”.

Bỉ là một trong những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) suốt từ đầu năm nay kêu gọi áp trần giá khí đốt bán buôn. Đề xuất này vấp phải sự phản đối của Uỷ ban châu Âu (EC) vì các quan chức EC lo ngại rằng các nhà cung cấp khí đốt sẽ không bán cho châu Âu nữa mà sẽ bán cho những khu vực trả giá cao hơn. Tuy nhiên, vào hôm thứ Tư tuần này, EC phát tín hiệu có thể ủng hộ trần giá như vậy.

Ông De Croo nói rằng một phương pháp tiếp cận theo từng lớp đối với giá khí đốt cần phải được áp dụng. Việc này bao gồm trần giá cứng đối với khí đốt Nga; đàm phán song phương với những nhà cung cấp “thân thiện” như Na Uy và Algeria; và linh hoạt hạn chế giá khí đốt hoá lỏng (LNG) ở mức đủ cao so với giá ở thị trường Mỹ và châu Á nhằm đảm bảo dòng chảy năng lượng này tới châu Âu.

Vị Thủ tướng cũng kêu gọi một “cơ chế đoàn kết” để đảm bảo rằng nguồn cung cho những quốc gia hiện vẫn đang nhận được khí đốt Nga, như Áo và Hy Lạp, trong trưởng hợp điện Kremlin trả đũa bằng cách cắt hẳn cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu.

Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu hôm thứ Tư, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã phát tín hiệu rằng sự ủng hộ từ nhiều nước thành viên EU hơn đồng nghĩa với việc EC sẵn sàng triển khai áp trần giá khí đốt.

Tuy nhiên, bà von der Leyen cũng nói rằng việc áp trần giá khí đốt cần phải đi kèm với quy định bắt buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt, thay vì mức cắt giảm tự nguyện 15% mà các bộ trưởng EU đạt nhất trí hồi tháng 7. “Cần phải chuẩn bị thêm các quy định về nghĩa vụ cắt giảm nhu cầu khí đốt thật nghiêm ngặt”, bà viết.

Năm 2021, EU nhận 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, chiếm 40% tổng nhập khẩu khí đốt của khối. Tỷ trọng khí đốt Nga trong nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã giảm xuống mức 9% trong những tuần gần đây, khi lượng khí đốt mà Nga bơm cho EU giảm xuống mức gần như tối thiểu.

Để chống lại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, EU đã triển khai một loạt kế hoạch gồm giảm tiêu thụ khí đốt và hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi áp lực từ giá điện tăng vọt. Các nhà máy điện ở châu Âu chủ yếu chạy bằng khí đốt, nên sự leo thang của giá khí đốt cũng đẩy giá điện tăng theo.

Ông De Croo cảnh báo rằng các chính phủ ở châu Âu cần phải khôn ngoan, để không chỉ chống lạm phát - vốn đang tăng vọt trong khu vực vì giá năng lượng leo thang, mà còn kiềm chế nguy cơ bất ổn xã hội.

“Người dân hoàn toàn phát điên khi nhận hoá đơn… Đến lúc nào đó, giọt nước sẽ làm tràn li. Tôi hiểu rằng mọi người đang giận giữ… Họ không còn cách để chi trả”, ông nói.

Các gói hỗ trợ của các nước châu Âu, chẳng hạn gói 200 tỷ Euro mà Chính phủ Đức công bố tuần trước, có thể làm “mất điểm” khối thị trường chung - ông De Croo cảnh báo.

Một trong những lựa chọn mà bà von der Leyen đưa ra để giảm giá khí đốt là triển khai trên toàn châu Âu một mô hình giống như đang được sử dụng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là áp trần đối với khí đốt dùng để phát điện. Tuy nhiên, một số nước thành viên cho rằng cách làm này sẽ chỉ làm tăng nhu cầu giữa lúc châu Âu cần bảo tồn nguồn cung cấp.

Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, tổng nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái - theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy tiêu thụ khí đốt đã tăng ở một số quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp do những nước này áp trần giá khí đốt.

Thủ tướng Bỉ cảnh báo rằng mô hình nói trên có rủi ro “rò rỉ” vì các nhà nhập khẩu điện cũng sẽ giảm giá điện. Chẳng hạn như Pháp đang hưởng lợi từ dòng điện được trợ giá từ Tây Ban Nha. Nếu Bỉ áp mô hình như vậy, nước này rốt cục sẽ bán điện giá rẻ hơn sang Anh - ông De Croo nhấn mạnh.

(Theo Financial Times)

Chia sẻ: