Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Nền kinh tế Mỹ trông như đang suy thoái, nhưng liệu có ai dám chắc?

Số liệu GDP quý II cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy thoái về mặt kỹ thuật, song không ai biết chắc liệu có cơ quan nào sẽ chính thức tuyên bố suy thoái hay không.

Đã suy thoái hay chưa?

Số liệu GDP quý II cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy thoái về mặt kỹ thuật, song không ai biết chắc liệu có cơ quan nào sẽ chính thức tuyên bố suy thoái hay không, ít nhất là trong vài tháng tới.

“Trọng tài” chính thức trong vấn đề này là Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) và các nhà kinh tế tại đây không sử dụng định nghĩa suy thoái thông thường mà công chúng biết đến.

Thay vì xác định suy thoái bằng ít nhất hai quý tăng trưởng âm, thì NBER định nghĩa suy thoái là “sự suy giảm đáng kể hoạt động kinh tế trên diện rộng và kéo dài hơn một vài tháng”.

Điều đó đồng nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ có thể phải suy giảm nhiều quý liên tiếp mới có thể thoả mãn điều kiện suy thoái. Trên thực tế, kể từ năm 1948, mỗi lần mà GDP giảm ít nhất trong hai quý liên tiếp, NBER cuối cùng đều tuyên bố suy thoái.

Theo dữ liệu mới từ Cục Phân tích Kinh tế, sau khi mất 1,6% trong quý I, GDP của Mỹ tiếp tục giảm 0,9% trong quý II.

Song, NBER thậm chí không sử dụng GDP như một thước đo chính để xác định suy thoái và cơ quan này từng tuyên bố suy thoái vào năm 2001 mà không có sự sụt giảm tăng trưởng liên tiếp nào.

Và CNBC khuyên các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho điều bất ngờ khác nữa, bởi hầu như không có nhà kinh tế lớn nào trên Phố Wall kỳ vọng NBER sẽ kết luận nền kinh tế Mỹ đã suy thoái trong nửa đầu năm 2022.

Ông Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, bình luận: “Nền kinh tế của chúng ta không suy thoái trong nửa đầu năm, nhưng khả năng suy thoái trong 6 tháng cuối năm đang tăng lên”.

Tương tự các đồng nghiệp trên Phố Wall, ông Zandi cho biết thị trường việc làm đang ổn định và là lý do chính khiến NBER không tuyên bố suy thoái. Chưa kể còn các yếu tố khác nữa.

“Chúng ta đã tạo ra nhiều việc làm. Tỷ lệ sa thải nhân sự thấp kỷ lục, số lượng vị trí trống cao kỷ lục. Chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư của doanh nghiệp, tất cả đều tăng trưởng dương. Tôi không nghĩ NBER sẽ kết luận suy thoái”, ông Zandi nhấn mạnh.

Giữa tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cũng cho biết ông không nghĩ nền kinh tế đang ở trong một cuộc suy thoái thực sự và thậm chí ông còn đặt câu hỏi về tính chính xác của số liệu GDP.

“Những gì chúng ta có bây giờ không giống như một cuộc suy thoái. Lý do chính là bởi thị trường lao động đang phát đi tín hiệu tốt về sức mạnh của nền kinh tế, đến mức khiến bạn thực sự hoài nghi dữ liệu GDP”, ông Powell nhận xét.

Tiêu chí của NBER

Dù NBER không phải một cái tên phổ biến mà ai cũng biết, chính phủ và các hãng truyền thông lại coi tuyên bố từ tổ chức nghiên cứu tư nhân này là kim chỉ nam khi xác định nền kinh tế mở rộng hay thu hẹp.

NBER được cho là sử dụng 6 yếu tố để xác định suy thoái, gồm thu nhập cá nhân thực tế trừ đi các khoản thanh toán chuyển khoản; bảng lương phi nông nghiệp; số liệu việc làm do Cục Thống kê Lao động khảo sát; chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực tế; doanh số bán hàng đã điều chỉnh yếu tố biến động giá; và sản lượng công nghiệp.

Sau số liệu GDP mới, nhà kinh tế cấp cao Tim Quinlan của Wells Fargo nói các điều kiện kinh tế đang nhanh chóng tiếp cận các tiêu chí của NBER. “Việc xác định chính xác suy thoái sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn do hoạt động kinh tế đã yếu thấy rõ, thể hiện bằng việc GDP thu hẹp 0,9% trong quý II”, ông lập luận.

“Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng và thị trường việc làm vẫn đứng vững. Còn quá sớm để kết luận, nhưng hoạt động kinh tế đang xấu đi nhanh chóng”, vị chuyên gia nói thêm.

Hàm ý chính trị

Câu hỏi về suy thoái đã trở thành một vấn đề chính trị.

Đầu tháng này, Nhà Trắng đã khiến công chúng huyên náo khi đăng tải một bài đăng trên blog, khẳng định nền kinh tế Mỹ không suy thoái.

Các nhà phê bình cáo buộc chính quyền ông Biden đang cố gắng thay đổi định nghĩa suy thoái đã xuất hiện lâu năm và các phương tiện truyền thông đang phải tuân theo ý Nhà Trắng bằng cách đề cập đến yếu tố NBER.

Bài đăng đã đưa “các dữ liệu tổng thể” như “thị trường lao động, chi tiêu của người tiêu dùng, chi tiêu của doanh nghiệp, sản lượng công nghiệp và thu nhập” vào định nghĩa thực sự của suy thoái.

“Dựa vào những dữ liệu này, ít có khả năng sự sụt giảm GDP trong quý đầu tiên của năm nay - ngay cả khi GDP quý II cũng sụt giảm, cho thấy một cuộc suy thoái”, bài viết kết luận.

Bà Seeman Shah - trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Principal Global Investors, nhận thấy: “Các nhà hoạch định chính sách chắc chắn sẽ lúng túng khi cố gắng giải thích tại sao nền kinh tế Mỹ không suy thoái. Tuy nhiên, họ đã đưa ra được một luận điểm tốt”.

“Dù hai quý liên tiếp tăng trưởng âm về mặt kỹ thuật là suy thoái, các dữ liệu kinh tế mới khác lại không thoả tiêu chí suy thoái”, bà Shah nhấn mạnh.

Ngay cả khi NBER không tuyên bố suy thoái trong nửa đầu năm, nền kinh tế Mỹ còn lâu mới thoát khỏi khó khăn. Lãi suất tăng cao, lạm phát dai dẳng và tâm lý người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp trì trệ là những mối nguy lớn trong thời gian tới.

Nhiều nhà kinh tế nghi ngờ suy thoái trong nửa đầu năm cho biết khả năng xảy ra suy thoái trong năm tới cũng khá cao.

Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s bình luận: “Tâm lý mọi người đang rất tiêu cực…Suy thoái xảy ra khi chúng ta mất niềm tin. Người tiêu dùng không tin họ sẽ tìm được việc, doanh nghiệp không tin họ có thể bán hàng tự mình sản xuất. Rủi ro rất cao là chúng ta sẽ mất niềm tin và lao đầu vào suy thoái”.

(Theo CNBC)

Chia sẻ: