Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Nga “doạ” siết dòng chảy khí đốt đi qua Ukraine

Nga đưa ra lời đe doạ này dựa trên cáo buộc Ukraine “câu trộm” khí đốt lẽ ra phải được bơm cho Moldova...

Nga cảnh báo siết dòng chảy khí đốt nước này cung cấp cho khu vực Tây Âu qua đường ống duy nhất còn hoạt động, nói rằng dòng chảy đi qua Ukraine này có thể giảm từ tuần tới - tờ Financial Times đưa tin.

Hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom ngày 22/11 cáo buộc Ukraine “câu trộm” khí đốt lẽ ra phải được bơm cho Moldova qua đường ống đi qua Ukraine. Gazprom nói kể từ ngày 28/11 có thể giảm cung cấp khí đốt qua đường ống này.

Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Ukraine chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số khí đốt mà Nga bơm qua Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ mối đe doạ nào nhằm vào đường ống này đều có thể đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu lên một nấc mới. Đường ống đi qua Ukraine là tuyến đường ống duy nhất dẫn khí đốt Nga tới châu Âu còn hoạt động, trong khi châu Âu đang chuẩn bị bước vào mùa đông.

Bất kỳ sự suy giảm nào của dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine, dù nhỏ, cũng có thể gây nên những biến động mới trên thị trường năng lượng, bởi các chính phủ và giới giao dịch tin rằng châu Âu cần nhiều hơn lượng dự trữ khí đốt hiện có để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm và sản xuất công nghiệp trong mùa đông.

Trao đổi với Financial Times, chuyên gia Tom Marzec-Manser của công ty tư vấn năng lượng ICIS nói rằng lời cảnh báo của Gazprom hiện mới chỉ nằm vào khí đốt Nga cung cấp cho Moldova đi qua Ukraine, các nhà giao dịch có thể lo ngại rằng đó sẽ là cái cớ để Moscow giảm bơm khí đốt cho cả các nước châu Âu khác.

Những đợt Nga cắt giảm mạnh cung cấp khí đốt cho châu Âu trước đây thường bắt đầu bằng lời cảnh báo giảm nhẹ dòng chảy. Cáo buộc lần này mà Nga nhằm vào Ukraine tương tự như trong cuộc khủng hoảng khí đốt hồi năm 2009, khi Nga ban đầu chỉ doạ cắt giảm nhẹ nguồn cung nhưng sau đó đã mạnh tay cắt giảm lượng khí đốt mà nước này bơm cho châu Âu.

“Thị trường khí đốt từ lâu đã lo sợ rằng trong mùa đông năm nay, Nga có thể đe doạ dòng chảy khí đốt còn lại mà nước này cung cấp cho các nước Tây Âu qua Ukraine”, ông Marzec-Manser nói. “Chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ những động thái cắt giảm nhẹ nguồn cung khí đốt hoàn toàn có thể trở thành những cuộc cắt giảm lớn, một cách rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, châu Âu hiện chưa hề thoát hiểm xét về vấn đề nguồn cung khí đốt trong những tháng mùa đông lạnh nhất”.

Nga bị phương Tây cáo buộc “vũ khí hoá” năng lượng để trả đũa việc châu Âu hậu thuẫn Ukraine. Moscow phủ nhận cáo buộc này. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Nga đã khoá van tất cả các đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu, trong đó có đường ống lớn nhất là Nord Stream 1, nhưng ngoại trừ đường ống đi qua Ukraine. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu hiện chỉ còn khoảng hơn 10% so với mức trước chiến tranh, dẫn tới một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp châu lục.

Lời cảnh báo của Gazprom khiến cho giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng hơn 8% trong phiên giao dịch ngày thứ 22/11, lên mức 124,5 Euro/megawatt giờ.

Hồi tháng 8, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt qua mốc 300 Euro/megawatt giờ, tương đương giá dầu thô 500 USD/thùng, sau khi Nga khoá van đường ống Nord Stream 1.

Dù vẫn cao so với bình quân lịch sử, giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã dịu đi nhờ việc châu Âu đã đạt mức dự trữ khí đốt gần tối đa công suất. Mùa thu ở châu Âu năm nay cũng ấm hơn bình thường, dẫn tới nhu cầu khí đốt để sưởi ấm chỉ ở mức thấp.

Gazprom nói Ukraine đã “câu” tổng cộng khoảng 52 triệu mét khối khí đốt - tương đương lượng khí đốt đi qua toàn bộ đường ống trong vòng 1 ngày - trong một khoảng thời gian không cụ thể. Lượng khí đốt này lẽ ra phải được bơm cho Moldova, Gazprom nói.

Trong những tuần gần đây, đường ống đi qua Ukraine bơm cho các nước Tây Âu khoảng 43 triệu mét khối khí đốt Nga mỗi ngày.

(Theo Financial)

Chia sẻ: