Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Nga lại giảm bơm khí đốt, mùa đông châu Âu năm nay sẽ “lạnh giá” cỡ nào?

Khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế ở châu Âu có vẻ như đã chắc chắn sau khi Nga vào ngày 27/7 một lần nữa giảm cung cấp khí đốt cho khu vực này. Trong những tháng tới đây, đặc biệt là mùa đông, ngành công nghiệp nặng của châu Âu có thể phải chịu cảnh chia khẩu phần khí đốt...

Mới vài ngày trước, người châu Âu “thở phào” khi hãng khí đốt quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga nối lại cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sau 10 ngày bảo dưỡng định kỳ.  Hôm thứ Hai tuần này, Gazprom lại khiến cả châu Âu lo sợ khi tuyên bố sẽ “siết van” khí đốt một lần nữa. Lý do mà phía Nga đưa ra là một turbine khí của đường ống cần được sửa chữa - một tuyên bố bị phía châu Âu nghi ngờ và cho rằng chỉ là cái cớ để điện Kremlin “vũ khí hoá năng lượng”. Tất cả những cáo buộc này của Brussels đều bị Moscow phủ nhận.

Động thái “siết van” ngày 27/7 khiến dòng chảy khí đốt đi qua Nord Stream 1 - đường ống nối trực tiếp giữa Nga với Đức - giảm còn 20% công suất, bằng một nửa so với mức 40% công suất trước đó. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng hành động này của Nga tương đương với một “cuộc chiến tranh khí đốt với châu Âu”. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói lý do mà Nga đưa ra để giảm cung cấp khí đốt là “trò hề”.

KINH TẾ CHÂU ÂU GẶP KHÓ ĐỦ ĐƯỜNG

Với lượng khí đốt giảm sâu, châu Âu rơi vào một tình thế khó khăn giữa lúc nền kinh tế khu vực phải ứng phó với lạm phát lan tràn, những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và chuỗi cung ứng vốn dĩ đã có nhiều nút thắt do đại dịch Covid-19.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đầu tàu tăng trưởng kinh tế truyền thống của khu vực, có lý do để lo ngại hơn cả. Đức có sự phụ thuộc lớn vào nguồn khí đốt Nga và nước này đang ngấp nghé bờ vực suy thoái kinh tế. Chính phủ Đức đặc biệt lo ngại về việc làm thế nào để có đủ khí đốt trong mùa đông năm nay. Hôm thứ Hai, ông Habeck nói trên sóng phát thanh rằng  “chúng ta đang ở trong một tình huống nghiêm trọng. Giờ là lúc tất cả chúng ta cần hiểu điều đó”.

Vị Bộ trưởng cũng nói Đức bắt buộc phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt, nhấn mạnh thêm rằng “chúng ta đang làm việc đó”. Ông cũng nói trong một kịch bản nguồn cung giảm xuống mức thấp, khí đốt cho các ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm trước khi đến lượt các hộ gia đình và các hạ tầng quan trọng như bệnh viện.

“Dĩ nhiên đây là một vấn đề lớn, và tôi cũng nói luôn rằng việc đó hoàn toàn có thể xảy ra. Những chuỗi sản xuất nhất định ở Đức hoặc châu Âu sẽ không thể tiếp tục vận hành. Chúng ta sẽ phải tránh điều đó bằng tất cả sức mạnh mình có”, ông Habeck nói thêm.

Các động thái của Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu diễn ra trong bối cảnh nước này hứng chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà phương Tây đưa ra nhằm đáp trả “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Tổng thống Vladimir Putin phát động ở Ukraine. Giảm bơm khí đốt được giới quan sát đánh giá là sự trả đũa của Moscow đối với châu Âu vì sự trừng phạt này, trong khi phía Nga luôn phủ nhận những cao buộc cho rằng họ đang dùng năng lượng làm “vũ khí”.

Trước chiến tranh, khoảng 40-45% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu hàng năm được đáp ứng bởi Nga. Sau khi chiến tranh nổ ra, châu Âu đã cố gắng tìm kiếm các nguồn thay thế, chẳng hạn như khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ, nhưng tất cả đều không thể thay thế năng lượng hoá thạch của Nga.

Trừ phi tình hình có sự thay đổi quan trọng, giới phân tích dự báo mùa đông năm nay sẽ khắc nghiệt đối với châu Âu. “Giá năng lượng tăng cao đang đẩy Tây Âu vào suy thoái kinh tế”, một báo cáo của S&P Global Market Intelligence nhận định trong một báo cáo mới đây.

“Dự báo tháng 7 của chúng tôi đã bao gồm sự suy giảm nhẹ trong quý 2 của tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực tế của Anh, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan. Với lạm phát cao bất ngờ, các ngân hàng trung ương đang đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự phục hồi của các ngành du lịch và dịch vụ có thể đem lại một sự khởi sắc nhẹ cho kinh tế châu Âu trong mùa hè này, nhưng một trở ngại khác lại có thể tăng cao trong quý 4, xét tới việc nguồn cung năng lượng trở nên bấp bênh”, báo cáo viết thêm.

Giá khí đốt và giá điện cao ngất ngưởng sẽ gây suy giảm sức cạnh tranh của nền công nghiệp Đức và các trung tâm sản xuất khác ở châu Âu. S&P đã cảnh báo rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và những hệ luỵ của cuộc chiến này sẽ phủ bóng lên nền kinh tế khu vực trong suốt năm nay, gây suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo S&P, tăng trưởng GDP thực của khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone sẽ từ mức 5,4% của năm 2021 xuống còn 2,5% vào năm 2022 và 1,2% vào năm 2023, trước khi khởi sắc lên 2% vào năm 2024.

Hôm thứ Ba tuần này, các nước châu Âu đã nhất trí sẽ chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay để ứng phó với sự suy giảm của nguồn cung khí đốt Nga. Bộ trưởng bộ năng lượng các nước thành viên EU đã phê chuẩn một kế hoạch nhằm cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ mùa thu năm nay tới mùa xuân 2023.

Tuy nhiên, liệu châu Âu có đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt nói trên hay không là câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời. Ngoài ra, nhiều nước thành viên EU cũng tỏ quan điểm bất mãn về chia khẩu phần khí đốt.

MONG MANH HY VỌNG NGA “NỚI VAN” KHÍ ĐỐT

“Cắt giảm tiêu thụ khí đốt sẽ không giải quyết được vấn đề. Về cơ bản, nhu cầu khí đốt tự nhiên và LNG ở châu Âu là rất lớn. Chia khẩu phần khí đốt - một biện pháp ảnh hưởng nhiều đến những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất ô tô, hoá chất và đào tiền ảo - là không thể loại trừ”, chuyên gia Simon Tucker của Infosys Consulting nhận định.

“Các nước EU và Anh cần phải làm tất gì có thể để làm đầy dự trữ khí đốt trước khi thời tiết chuyển lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc cân nhắc tất cả mọi cách để giảm sử dụng năng lượng và cải thiện nguồn cung. Chúng ta đang chứng kiến châu Âu nhập khẩu nhiều LNG từ Trung Đông và Bắc Mỹ, nhưng các quốc gia cũng cần đẩy nhanh việc hiện đại hoá cơ sở hạ tầng. Việc triển khai trên diện rộng các nguồn năng lượng thay thế có dấu ấn carbon thấp như lò phản ứng hạt nhân minh và năng lượng tái sinh không còn là chuyện ‘có thì tốt’ nữa, mà là điều bắt buộc nếu châu Âu muốn vượt qua được cuộc khủng hoảng này và trở nên khoẻ mạnh hơn”.

Nhưng việc hiện đại hoá hạ tầng như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, nên châu Âu sẽ phải đương đầu với thách thức lớn trong ngắn hạn.

Khả năng suy thoái kinh tế châu Âu giờ đây đã rất rõ ràng - một báo cáo của Citi hôm thứ Ba tuần này nhận định, cho rằng việc Nga một lần nữa giảm cung khí đốt có thể sẽ “gây ra hệ quả là đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái sâu hơn”.

“Với kế hoạch chia khẩu phần năng lượng trong mùa đông năm nay đã được nhất trí, chúng tôi cho rằng các điều kiện tài chính thát lại ở châu Âu sẽ dẫn tới phản ứng tồi tệ hơn nhiều trong nền kinh tế thực, xét tới mức độ tiết kiệm và vay nợ của các hộ gia đình cũng như bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp. Mùa đông đang gõ cửa châu Âu rồi”, Citi kết luận.

Dĩ nhiên, cũng có khả năng Nga sẽ “nới van” khí đốt đối với châu Âu một khi turbine khí mà Moscow nói là bị hỏng được sửa chữa xong.

“Chưa rõ đây sẽ là một sự cắt giảm cung cấp trong một thời gian ngắn, trong lúc turbine khí đang được sửa, hay chúng ta sẽ phải sống với nguồn cung khí đốt chỉ ở mức 20% trong một thời gian đáng kể”, một báo cáo của Deutsche Bank nhận định, nói thêm rằng Nga có thể đòi hỏi sự miễn trừ trừng phạt đối với turbine khí được đem đi sửa.

“Đây là một việc khó và người Nga thừa hiểu. Bởi vậy, có vẻ như vấn đề chính trị trước mắt sẽ tiếp tục là nhân tố quyết định”, theo Deutsche Bank.

Các chiến lược gia của nhà băng Đức này tin rằng nếu dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 đạt 40% công suất đường ống, Đức có thể vượt qua được mùa đông này một cách an toàn, cho dù có thể phải áp dụng một chút việc chia khẩu phần khí đốt. “Với 20% công suất của đường ống, việc chia khẩu phần bắt buộc sẽ phải được đẩy cao, trừ phi Đức ngừng chia sẻ khí đốt với các nước khác, mà đây là một việc rất nhạy cảm về chính trị”, báo cáo viết.

Ngoài ra, Deutsche Bank cho rằng mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15% mà các nước EU đã nhất trí có thể sẽ khó thực thi trên thực tế. “Sẽ phải có nhiều thoả hiệp và nhượng bộ nếu các bên đạt nhất trí về kế hoạch thực hiện mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt”, báo cáo nhận định.

(Theo VNeconomy)

Chia sẻ: