Nga và Iran đang nỗ lực tạo ra một liên minh các nhà sản xuất khí đốt với mục tiêu củng cố quyền đàm phán và kiểm soát giá cả trong nhiều năm tới.
Theo Oilprice, biên bản ghi nhớ (MoU) ký kết vào tháng trước giữa Gazprom và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) là một bước đệm cho phép Moscow và Tehran tạo ra một liên minh các nước xuất khẩu khí đốt, theo mô hình như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Với nền tảng là Diễn đàn các nước xuất khẩu vùng Vịnh (GECF) hiện tại, “OPEC khí đốt” sẽ điều phối một trữ lượng khí đốt khổng lồ của thế giới và kiểm soát giá cả trong những năm tới.
Theo thống kê của BP, trữ lượng khí đốt của Nga là 37,4 nghìn tỷ m3 (tcm), đứng số một thế giới; của Iran là 32,1 tcm, giữ vị trí số hai.
Nhìn từ MoU giữa Gazprom và NIOC, liên minh Nga-Iran có lẽ đang muốn kiểm soát càng nhiều hai yếu tố quan trọng trong ma trận cung cấp khí đốt toàn cầu: hệ thống vận chuyển khí đốt qua đường ống và khí hóa lỏng (LNG) trên biển.
Nền tảng của liên minh
Theo một tuyên bố vào tuần trước, ông Hamid Hosseini, Chủ tịch Liên minh các nhà xuất khẩu dầu khí và hóa dầu của Iran, cho hay: "Moscow đã nhận ra rằng nhu cầu tiêu thụ khí đốt và LNG đang tăng lên, và một mình Nga khổng đủ khả năng cung cấp cho toàn thế giới”.
“Vì vậy, không còn chỗ cho sự cạnh tranh về khí đốt [giữa Nga và Iran]”, ông nói.
Ông cho biết thêm: “Người chiến thắng trong xung đột Ukraine là Mỹ, và Washington sẽ chiếm được thị trường khí đốt châu Âu. Vì vậy, Iran và Nga sẽ hưởng lợi bằng cách hợp tác với nhau để giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trên thị trường dầu khí toàn cầu”.
Biên bản ghi nhớ giữa Gazprom và NIOC bao gồm 4 yếu tố chính hướng tới việc xây dựng "OPEC khí đốt".
Thứ nhất, Gazprom đã cam kết hỗ trợ toàn bộ cho NIOC trong việc phát triển và khai thác các mỏ khí đốt Kish và North Pars với trị giá 10 tỷ USD. Mục tiêu trong tương lai là sản xuất hơn 10 triệu m3 khí đốt/ngày từ hai mỏ này.
Thứ hai, Gazprom cũng sẽ hỗ trợ đầy đủ cho một dự án trị giá 15 tỷ USD nhằm gia tăng ảnh hưởng tại mỏ khí đốt South Pars khổng lồ trên biên giới hàng hải giữa Iran và Qatar.
Thứ ba, Gazprom sẽ hỗ trợ xây dựng các cảng xuất khẩu LNG (nén khí và hóa lỏng) và hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt.
Thứ 4, Nga sẽ khuyến khích các cường quốc khí đốt lớn khác ở Trung Đông dần tham gia vào “OPEC khí đốt”.
Thu hút đồng minh
Theo một nguồn tin làm việc với Bộ Dầu mỏ Iran: “Khí đốt được coi là nhiên liệu tối ưu trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo”.
“Vì vậy, kiểm soát càng nhiều dòng chảy toàn cầu sẽ là chìa khóa để kiểm soát thị trường năng lượng trong 10 đến 20 năm tới, tương tự như sức mạnh của Nga khi nắm giữ nguồn cung tới châu Âu hiện tại”, nguồn tin cho biết.
Liên minh Nga-Iran sẽ tập trung vào việc thu hút sự ủng hộ công khai hoặc bí mật cho việc xây dựng “OPEC khí đốt” từ các nhà sản xuất lớn khác ở Trung Đông. Những quốc gia Trung Đông khác vẫn đang tỏ ra lưỡng lự khi chưa cam kết với trục Nga-Iran-Trung Quốc hay Mỹ-châu Âu-Nhật Bản.
Qatar là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới, khoảng 24,7 tcm, đồng thời là nhà cung cấp LNG hàng đầu. Từ lâu, Qatar đã được Moscow và Tehran coi là ứng cử viên sáng giá trong liên minh “OPEC khí đốt”.
Qatar và Iran cùng chia sẻ mỏ khí đốt khổng lồ rộng 9.700 km2, chứa ít nhất 51 tcm khí đốt và 50 tỷ thùng khí thiên nhiên lỏng. Iran kiểm soát 3.700 m2 (chứa khoảng 14 tcm), còn Qatar nắm khoảng 6.000 km2 (tương đương 37 tcm).
Vào năm 2017, Tehran và Doha đã ký kết kết một thỏa thuận hợp tác chung về khai thác khí đốt tại khu vực này. Kể từ đó, Qatar đã công khai cố gắng cùng lúc giữ quan hệ với cả hai khối địa chính trị lớn.
Vào đầu năm nay, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã đến thăm Nhà Trắng. Đến tháng 3, ông đã gặp Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhằm thảo luận các cách mà Doha có thể giúp châu Âu giảm nhẹ nỗi đau từ khủng hoảng khí đốt.
Tuy nhiên, trước các chuyến thăm trên, Qatar đã ký kết một loạt các thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với Trung Quốc.
Moscow và Tehran cũng có thể khai thác những xích mích giữa Qatar với người hàng xóm là Arab Saudi. Từ năm 2017 đến năm 2021, Arab Saudi với sự ủng hộ của UAE, Bahrain, Ai Cập và sau này là Jordan cùng Libya, đã phong tỏa Qatar.
Qatar không bao giờ quên những hành động thù địch này và cũng sẽ luôn nhớ sự ủng hộ của Tehran và Moscow giành cho Doha, cả trực tiếp lẫn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên minh sắp thành hình?
Nga, Iran và Qatar chiếm gần 60% trữ lượng khí đốt của thế giới và họ là ba quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập GECF, gồm 11 thành viên kiểm soát hơn 71% trữ lượng khí đốt toàn cầu, 44% sản lượng, 53% đường ống dẫn khí và 57% lượng LNG xuất khẩu.
Từ lâu, các nước thành viên GECF đã có những tuyên bố về kế hoạch tăng cường chiều sâu hợp tác để đạt được mức độ ảnh hưởng như liên minh dầu mỏ OPEC.
Từ tháng 10/2008, các nhân vật cấp cao của Nga, Iran và Qatar đã gặp nhau tại Tehran để thảo luận về hợp tác ba bên và khả năng hình thành một nhóm các nước xuất khẩu khí đốt tương tự như OPEC.
Nguyên nhân khiến cho “OPEC khí đốt” vẫn chưa thành hình là do Qatar chưa sẵn sàng liên kết chặt chẽ với Nga và Iran, đồng nghĩa với việc phần lớn nguồn cung LNG vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của Moscow và Tehran.
Iran có đủ khí đốt để trở thành siêu cường LNG, và thỏa thuận giữa Gazprom-NIOC đang nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Tuy nhiên, dự án trên sẽ chỉ có ý nghĩa trong trung và dài hạn.
Trong ngắn hạn, có những dấu hiệu cho thấy Qatar đang cởi mở hơn với việc tham gia “OPEC khí đốt”. Doha cần giữ vị trí là nhà xuất khẩu LNG số một thế giới, tuy nhiên, đã có lúc Qatar để tuột mất danh hiệu trên. Vì vậy, các thỏa thuận dài hạn với Trung Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng với quốc gia này.
Thương vụ đáng chú ý đầu tiên và cũng là khuôn mẫu cho những hợp đồng tiếp theo là thỏa thuận mua bán dài hạn giữa Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Qatar Petroleum với khối lượng 2 triệu tấn LNG mỗi năm (mtpa) trong thời hạn 10 năm.
Sau thương vụ đầu với Trung Quốc, Qatar đã ký các thỏa thuận cung cấp LNG với đồng minh của Iran (và Trung Quốc, Nga) là Pakistan với khối lượng 3 mtpa trong vòng 10 năm. Đồng minh thân cận của Pakistan, Bangladesh cũng đã thực hiện một thỏa thuận tương tự với Doha.
(Theo Oilprice)
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng 27/11
- 27/11/2024
3.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 26/11
- 26/11/2024
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 25/11
- 25/11/2024
5.
Nhận định xu hướng cặp AUDUSD ngày 22/11
- 22/11/2024