Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị ở Foster City, bang California (Mỹ)
Theo số liệu được Cục Dự trữ liên bang (Fed) công bố ngày 17/9, sản lượng tại các nhà máy của Mỹ đã tăng mạnh vào tháng 8/2024 nhờ sản lượng xe cơ giới phục hồi, song dữ liệu của tháng trước đó đã được điều chỉnh giảm. Thông tin này cho thấy ngành sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh lãi suất được duy trì ở mức cao.
Sản lượng tại các nhà máy tăng 0,9% trong tháng 8/2024, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó, sau khi giảm 0,7% vào tháng 7/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8/2024, sản lượng tại các nhà máy tăng 0,2%.
Sản lượng xe cơ giới và phụ tùng tăng mạnh 9,8% trong tháng 8/2024, đảo ngược mức giảm 8,9% của tháng 7/2024. Sản lượng hàng hóa lâu bền tăng 2,1%, sau khi giảm 1,5% vào tháng 7/2024. Sản lượng kim loại cơ bản, thiết bị điện, đồ gia dụng, linh kiện và thiết bị vận tải hàng không vũ trụ cũng tăng.
Sản lượng hàng hóa không lâu bền giảm 0,2%, do lượng sản phẩm in ấn và phụ trợ cũng như các sản phẩm dầu mỏ và than đá giảm, bù đắp cho mức tăng sản lượng hóa chất và giấy.
Sản lượng khai khoáng tăng 0,8% trong tháng 8/2024, sau khi giảm 0,4% vào tháng 7/2024. Khoan giếng dầu và khí đốt tăng 0,3%, đảo ngược mức giảm 0,3% của tháng trước đó.
Công suất của ngành công nghiệp, thước đo mức độ các công ty sử dụng nguồn lực của mình, đã tăng lên mức 78,0%, từ mức 77,4% của tháng 7/2024, song vẫn thấp hơn 1,7% so với mức trung bình trong giai đoạn từ 1972-2023. Tỷ lệ hoạt động của ngành sản xuất tăng lên mức 77,2%, từ mức 76,6% của tháng 7/2024 và thấp hơn 1,1% so với mức trung bình dài hạn.
Lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, tiếp tục bị cản trở bởi chi phí đi vay cao. Việc ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào ngày 18/9 có thể sẽ mang lại động lực cho ngành sản xuất trong thời gian tới.
Cùng ngày 17/9, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng Tám đã bất ngờ tăng, chứng tỏ nền kinh tế vẫn vững mạnh trong phần lớn quý 3/2024.
Cụ thể, doanh số bán lẻ tăng 0,1% sau khi đã tăng 1,1% trong tháng Bảy. Trong khi đó, các nhà kinh tế từng dự báo doanh số bán lẻ, chủ yếu là hàng hóa và không được điều chỉnh theo lạm phát, giảm 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tháng Tám tăng 2,1%.
Các số liệu trên kết hợp với sự sụt giảm tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận vào tháng trước đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường tài chính về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 17-18/9.
Fed đã duy trì lãi suất chuẩn qua đêm ở mức 5,25-5,50% trong hơn 1 năm, sau khi tăng 525 điểm cơ bản vào năm 2022 và 2023.
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024
3.
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 19/11
- 19/11/2024