"Chúng ta chưa từng đối mặt với nguy cơ xảy ra Ngày tận thế kể từ thời chính quyền Kennedy cùng khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Đây là lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới chứng kiến mối đe dọa trực tiếp từ vũ khí hạt nhân, nếu mọi thứ tiếp tục đi theo hướng hiện nay", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong sự kiện gây quỹ của đảng Dân chủ ở bang New York hôm 6/10.
Ông Biden cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "không nói đùa" khi cảnh báo sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường Ukraine.
Những đồn đoán về hoạt động hạt nhân của Nga được đưa ra sau khi ông Putin ngày 21/9 ra lệnh động viên một phần lực lượng dự bị lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, dự kiến bổ sung 300.000 quân cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông cũng cảnh báo phương Tây rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ", trong đó có 4 tỉnh Ukraine vừa sáp nhập.
Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin ngày 1/10 cho rằng Nga nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Kadyrov cũng chỉ trích các chỉ huy quân sự Nga sau hàng loạt thất bại, gần đây là việc Moskva rút quân khỏi thành phố chiến lược Lyman.
Những lời đe dọa này đã khiến giới quan sát và quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng Nga sẽ "lợi bất cập hại" nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại quốc gia láng giềng.
Ông Biden cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ cũng có thể dẫn đến "Ngày tận thế", khi xung đột leo thang vượt tầm kiểm soát. "Chúng tôi đang tìm cách phán đoán lối thoát của ông Putin khỏi tình hình hiện nay là gì", Tổng thống Mỹ nói thêm
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 3/10 tuyên bố vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Nga và chiến lược quân sự của Nga "không dựa trên cảm tính".
Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Moskva có tới 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
(Theo AFP)