Ông Tập chỉ đạo cuộc thanh tra ngành tài chính lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết mục tiêu của cuộc thanh tra là đảm bảo quyền kiểm soát của chính phủ với huyết mạch kinh tế của đất nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang tập trung vào mối quan hệ giữa các ngân hàng nhà nước Trung Quốc và tổ chức tài chính lớn khác với những công ty lớn trong khu vực tư nhân.

Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết ông Tập đang phát động một đợt thanh tra sâu rộng đối với các tổ chức tài chính. Nội dung thanh tra tập trung vào việc liệu các ngân hàng quốc doanh, quỹ đầu tư và cơ quan quản lý tài chính có trở nên quá thân thiện với các công ty tư nhân hay không, đặc biệt là những công ty gần đây rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh như Evergrande, Didi và Ant Group.

Chiến dịch được tiến hành bởi cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất và xoay quanh 25 tổ chức tài chính nằm ở trung tâm kinh tế Trung Quốc. Đây là cuộc thanh tra lớn nhất nhằm vào ngành tài chính kể từ khi ông Tập lên nắm quyền gần một thập kỷ trước.

Bắt đầu từ tháng này, các thành viên thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tỏa đi khắp các văn phòng của 25 tổ chức tài chính nhà nước, xem xét các hồ sơ cho vay, đầu tư và pháp chế. Các quan chức cũng yêu cầu trả lời về cách thức một số thỏa thuận hoặc quyết định cụ thể liên quan đến công ty tư nhân được đưa ra.

Những cá nhân bị nghi ngờ tham gia vào các giao dịch không thích hợp nhiều khả năng sẽ bị điều tra và có thể bị buộc tội. Bất kỳ tổ chức nào vi phạm kỷ cương sẽ bị kỷ luật.

Tại cuộc họp ngày 26/9 nhằm huy động lực lượng trước chiến dịch mới, ông Triệu Lạc Tế, người đứng đầu CCDI, tuyên bố các thanh tra chịu trách nhiệm giám sát 25 tổ chức "sẽ tìm kiếm kỹ lưỡng bất kỳ sai lệch chính trị nào", tờ Tân Hoa Xã dẫn lời.

Cuộc thanh tra tài chính được tổ chức trong lúc Bắc Kinh đang cố gắng khắc phục sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các công trình xây dựng dựa dẫm vào nợ. Nhưng với việc mở rộng chiến dịch siết chặt khu vực kinh tế công, ông Tập có thể sẽ tạo ra các động thái làm suy giảm nghiêm trọng tăng trưởng của Trung Quốc trong những tháng tới.

Giới phân tích cho biết rất nhiều ngân hàng đang hạn chế cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản tư nhân và các doanh nghiệp khác trong bối cảnh sự không chắc chắn gia tăng.

Ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Peking cho biết: "Khi sự mơ hồ gia tăng, cách phản ứng duy nhất là ngừng tất cả những gì bạn đang làm".

Nhưng sự suy giảm của hoạt động kinh tế trong khu vực tư nhân – từ các đại gia công nghệ không chắc chắn về môi trường chính sách cho đến các nhà phát triển bất động sản bị cắt nguồn vốn - đang tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Bắc Kinh.

"Nếu không cho vay "nợ xấu" thì Bắc Kinh sẽ không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng", Giáo sư Pettis khẳng định.

Một số quan chức cho biết mục tiêu của ông Tập là đảm bảo chính phủ có toàn quyền kiểm soát huyết mạch kinh tế của đất nước, ngăn chặn sự xâm chiếm của các doanh nghiệp tư nhân lớn và các tay chơi quyền lực. 

Rủi ro tài chính của Trung Quốc đang ngày càng chồng chất, một phần vì các ngân hàng nhà nước mạnh tay cho một số doanh nghiệp quan hệ rộng vay tiền.  

Một số tổ chức tài chính đang đối mặt với kiểm tra có mối quan hệ với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người cùng Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo chiến dịch đả hổ diệt ruồi trước đây.

Ví dụ, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã giúp tài trợ cho các vụ mua lại ở nước ngoài của Tập đoàn HNA. Chủ tịch Chen Feng của HNA từng là trợ lý của ông Vương. HNA hiện đang trong giai đoạn tái cấu trúc và Chủ tịch Feng bị bắt giữ vì nghi ngờ phạm tội.

Dự kiến khoản vay Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cấp cho HNA sẽ là một trong nội dung bị kiểm tra.

Đặc biệt, khoản vay mà các ngân hàng nhà nước cấp cho Evergrande cũng sẽ bị xem xét.

Một trong những chủ nợ chính của Evergrande là Citic Group. Trong những năm qua, Citic Group đã tạo ra văn hóa cho vay giống với Phố Wall nhất ở Trung Quốc.

Tập đoàn này chấp nhận những rủi ro mà các ngân hàng truyền thống tránh xa, đi xa đến mức tạo quỹ đầu tư riêng cho những công ty như Evergrande. Trong vài năm qua, bất chấp cảnh báo liên tục từ Bắc Kinh chống lại việc cho vay bất động sản, Citic vẫn cấp hơn 10 tỷ USD cho Evergrande. 

Ông Xie Hongru, người đứng đầu chi nhánh Citic Bank ở Quảng Đông, đã bị các quan chức CCDI điều tra từ tháng trước.

Các chủ nợ lớn khác của Evergrande, bao gồm ngân hàng đồng sở hữu bởi Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng nằm trong diện bị điều tra tài chính.

Các thanh tra cũng sẽ tìm hiểu xem làm thế nào mà một nhóm quỹ nhà nước, bao gồm quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp và các quỹ được vận hành bởi ngân hàng và hãng bảo hiểm lớn, lại đầu tư vào những công ty nằm trong trung tâm cuộc trấn áp doanh nghiệp công nghệ của ông Tập.

"Liệu những khoản đầu tư này là vì lợi ích của nhà nước hay một vài cá nhân? Đó là câu hỏi quan trọng nhất", một người thông thạo tin tức về cuộc thanh tra cho biết.

China Investment Corp - quản lý khối tài sản 1.000 tỷ USD - đã đầu tư vào Ant Group do tỷ phú Jack Ma thành lập và Didi Global, công ty gọi xe bị điều tra an ninh mạng sau khi IPO tại New York vào tháng 6.

Dự kiến các thanh tra sẽ tiến vào trụ sở của CIC ở Bắc Kinh ngay trong tuần này. "Mọi người đang rất lo", nguồn tin nói với Wall Street Journal.

China Life Insurance, một trong những hãng bảo hiểm lớn nhất của Trung Quốc, cũng đầu tư vào Ant và Didi. Năm 2016, hãng bảo hiểm này rót khoảng 600 triệu USD cho Didi, góp phần giúp công ty giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Uber.

Đến cả cấp quản lý, bao gồm ngân hàng trung ương Trung Quốc và cơ quan giám sát ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán hàng đầu quốc gia cũng bị xem xét liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đã lơ là hay quá thân thiết với các công ty tư nhân hay không.

Rủi ro đối với ông Tập và Trung Quốc là cuộc kiểm tra rộng rãi đến vậy có thể khiến các công ty tư nhân nhỏ càng khó tiếp cận với hệ thống tài chính hơn.

Lần cuối cùng ông Tập tiến hành kiểm tra ngành tài chính là sau cuộc sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2015. Cuộc điều tra đó đã dẫn đến án tù cho một số nhà quản lý, giám đốc ngân hàng và nhà đầu tư bị cáo buộc trục lợi từ tin nội gián.

Cuộc điều tra này cũng khiến Bắc Kinh phải tạm dừng một số thay đổi đã được chờ đợi từ lâu, chẳng hạn như cải cách nhằm giúp các công ty tư nhân dễ dàng chào bán cổ phần hơn.

(Theo Wall Street Journal)