OPEC+ thỏa yêu cầu của UAE nhưng vẫn ưu ái Arab Saudi và Nga hơn

Arab Saudi và Nga đã nhượng bộ yêu cầu nâng hạn ngạch của UAE, song hưởng lợi lớn nhất vẫn chính là Riyadh và Moscow.

Đầu tháng 7, cuộc họp của liên minh dầu mỏ OPEC+ bị rơi vào bế tắc khi UAE - đồng minh thân cận của Arab Saudi, kiên quyết không lùi thời hạn của thỏa thuận giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu OPEC+ không nâng hạn ngạch cơ sở cho nước này.

Cụ thể, Abu Dhabi đã yêu cầu nâng hạn ngạch sản lượng từ gần 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày vì cho rằng con số hiện tại quá thấp, không phản ánh được tình hình sản xuất thực tế.

Mỗi nước thành viên đo lường mức tăng hoặc giảm sản lượng từ mức hạn ngạch cơ sở này. Hạn ngạch càng cao, các nước càng được phép bơm thêm nhiều dầu thô hơn.

Sau cùng, vào cuối tuần qua, hai "đàn anh" OPEC+ là Arab Saudi và Nga đã thỏa hiệp với yêu cầu của UAE. Tuy nhiên, hai nước hưởng lợi nhiều nhất vẫn là Riyadh và Moscow.

Liên minh dầu mỏ đã nhất trí tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 năm nay. Đồng thời, OPEC+ còn đồng ý nâng hạn ngạch cơ sở đến tháng 5/2022 cho UAE, Iraq, Kuwait, Nga và Arab Saudi. Trong đó, hạn ngạch của Arab Saudi và Nga tăng mạnh nhất, Bloomberg cho hay.

Trong khi mức cơ sở của UAE sẽ nhích khoảng 330.000 thùng/ngày lên 3,5 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2022 (thêm khoảng 10%), thì Moscow và Riyadh sẽ tăng 500.000 thùng/ngày lên 11,5 triệu thùng/ngày.

Trên thực tế, Arab Saudi hiếm khi bơm nhiều dầu như thế ra thị trường và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết công suất thực sự của Nga là khoảng 10,4 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, mức hạn ngạch cơ sở cao đồng nghĩa rằng hai nước Nga và Arab Saudi sẽ quay trở lại mức sản lượng trước đại dịch COVID-19 nhanh hơn các nước thành viên OPEC+ khác. Thậm chí, hai nước này có thể bơm thêm dầu nếu họ có thể.

Ngay từ tháng 11 năm ngoái, Arab Saudi đã trên đà khôi phục sản lượng về mức tháng 3 cùng năm. Theo Bloomberg, đây chính là thời điểm trước khi ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch xuất hiện và trước khi cuộc chiến giá dầu đẩy sản lượng của vương quốc này lên mức kỷ lục trong thời gian ngắn.

Nga sẽ vượt qua cột mốc đó vào tháng 4 năm tới, với giả định mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng được chia đồng đều giữa các thành viên OPEC và đồng minh.

Đến tháng 9/2022, OPEC+ dự kiến khôi phục toàn bộ sản lượng dầu thô đã phải rút ra khỏi thị trường để hạn chế tác động của dịch bệnh. Với mức hạn ngạch 3,5 triệu thùng/ngày vừa được điều chỉnh, sản lượng của UAE có thể vẫn chưa quay về mức trước cuộc khủng hoảng COVID-19.

(Theo Bloomberg)