Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm lần đầu tiên trong 6 phiên vào ngày thứ Ba (27/7 giờ Mỹ), trước khi một số công ty công nghệ vốn hóa lớn công bố báo cáo lợi nhuận quý 2.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số S&P 500 lùi gần 0.5% xuống 4,401.46 điểm, chịu sức ép từ đà sụt giảm từ cổ phiếu các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghệ và năng lượng. Chỉ số này đã giảm tới 1.1% tại mức đáy trong phiên. Chỉ số Dow Jones mất 85.79 điểm (tương đương 0.2%) còn 35,058.52 điểm, sau khi giảm tới 266 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite rớt 1.2% xuống 14,660.58 điểm. Cả 3 chỉ số chính đều rút khỏi mức cao kỷ lục tương ứng đã đạt được trong phiên trước đó, chấm dứt chuỗi 5 phiên leo dốc liên tiếp.
Cổ phiếu UPS sụt khoảng 7% khi doanh thu nội địa của công ty vận tải này không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của UPS vẫn cao hơn dự báo khi số lượng đơn đặt hàng thương mại điện tử tiếp tục tăng vọt.
Cổ phiếu Tesla xóa sạch đà tăng đầu phiên và giảm 1.9% sau báo cáo lợi nhuận quý 2 tốt hơn dự báo. Nhà sản xuất xe điện lần đầu tiên báo lãi ròng hàng quý vượt mức 1 tỷ USD.
Đợt bán tháo trên Phố Wall diễn ra sau một ngày sụt giảm nặng nề khác ở thị trường châu Á. Chỉ số Hang Seng mất hơn 4% vào ngày thứ Ba trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường trấn áp các công ty công nghệ và giáo dục.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 trở nên sôi nổi hơn trong tuần này với Alphabet, Microsoft và Apple công bố báo cáo sau phiên ngày thứ Ba. Cổ phiếu 3 công ty công nghệ lớn này đã giảm trước thềm công bố báo cáo: cổ phiếu Alphabet mất gần 1.6%, cổ phiếu Apple giảm 1.5% và cổ phiếu Microsoft lùi gần 0.9%.
Cho đến nay, có đến 88% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố EPS dương bất ngờ, theo dữ liệu từ FactSet. Nếu 88% là tỷ lệ phần trăm cuối cùng, nó sẽ là tỷ lệ phần trăm cao nhất kể từ khi FactSet bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 2008.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang chờ đợi cập nhật về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi Cơ quan này bắt đầu cuộc họp diễn ra trong 2 ngày. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ đưa ra một tuyên bố khi cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Tư (28/7), sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo vào ngày thứ Ba rằng nguy cơ lạm phát sẽ không chỉ diễn ra nhất thời, thúc đẩy các ngân hàng trung ương phải có hành động trước.
(Theo CNBC)
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024
3.
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 19/11
- 19/11/2024