Thị trường dầu mỏ sẽ như thế nào nếu vắng bóng OPEC?

Bên trong nội bộ OPEC đang tồn tại một số rạn nứt và bất đồng. Điều này khiến thị trường không ít lần suy đoán về nguy cơ tan rã của liên minh dầu mỏ. Vậy, một thế giới vắng bóng OPEC sẽ như thế nào?

Vài năm về trước, với sản lượng dầu đá phiến tăng vọt lên 11 và sau là 12 triệu thùng/ngày, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Thời điểm đó, công chúng đã bắt đầu tưởng tượng đến viễn cảnh OPEC dần mất chỗ đứng trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, giới thương nhân và chuyên gia mới có cơ sở vững chắc để bác bỏ lập luận cũ. Lúc này, hơn bao giờ hết, OPEC đang đóng một vai trò quan trọng trên thị trường.

Dù vậy, bên trong nội bộ của OPEC vẫn đang tồn tại những rạn nứt và bất đồng, khiến cho công chúng chưa thể dứt khỏi những đồn đoán về nguy cơ tan rã của liên minh dầu mỏ này.

Do đó, oilprice.com cho rằng cũng khá hợp lý nếu chúng ta thử xem xét thế giới sẽ như thế nào nếu không có OPEC.

Giá dầu sẽ tự do "nhảy múa"

Câu trả lời ngắn gọn nhất dĩ nhiên là thị trường dầu mỏ thế giới sẽ trông rất khác. Không có liên minh OPEC kiểm soát giá cả, các nước sở hữu trữ lượng dầu mỏ sẽ được tự do khai thác theo ý muốn.

Khi đó, họ sẽ tối đa khối lượng dầu thô bơm ra thị trường để tận dụng cơ hội tăng thị phần. Đây vốn là điều mà một số thành viên OPEC rất muốn làm lúc này nhưng không thể hành động vì quy định của tổ chức.

Cụ thể hơn, nếu không có OPEC, giá dầu sẽ tự do "nhảy múa". Ngay cả bây giờ, giá dầu đã có một số thời điểm tăng giảm bất thường khi thị trường rơi vào bất ổn, chẳng hạn như khi đại dịch tấn công ngành dầu mỏ vào mùa xuân năm ngoái.

Chia sẻ với oilprice.com, ông Adam Rozencwajg, đối tác quản lý tại quỹ đầu tư Goehring and Rozencwajg, cho hay: "Nếu OPEC bị giải tán trong nay mai, chắc chắn giá dầu sẽ biến động cực mạnh trong ngắn hạn".

Hơn nữa, nếu vắng bóng OPEC, an ninh nguồn cung dầu thô toàn cầu cũng sẽ lung lay hơn so với hiện nay.

Một số chuyên gia có thể cho rằng trong bối cảnh thế giới đang chuyển hướng sang các nhóm năng lượng sạch, dầu mỏ sẽ nhanh chóng đánh mất vị thế vốn có và nguồn cung dầu thô không còn là mối lo ngại. Song, vai trò của dầu thô sẽ còn rất lớn, ít nhất là trong nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, khi các thành viên OPEC được thoải mái sản xuất theo ý muốn, các công ty dầu mỏ khác có thể sẽ không còn mặn mà đầu tư vào khai phá mỏ dầu mới để đảm bảo nguồn cung trong tương lai. Điều này sẽ gây rủi ro cho nguồn cung trong dài hạn, ông Rozencwajg lưu ý.

Dẫn chứng từ hai nghiên cứu gần đây

Năm ngoái, Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES) đã thực hiện một báo cáo để nghiên cứu diễn biến của thị trường dầu mỏ nếu OPEC không tồn tại trong giai đoạn 1990 - 2018.

Qua phân tích dữ liệu, OIES nhận thấy sản lượng dầu mỏ toàn cầu về cơ bản sẽ cao hơn đáng kể nếu thị trường không chịu sự kiểm soát của OPEC.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cú sốc nguồn cung do xung đột địa chính trị sẽ có tác động mạnh hơn đến giá dầu, vì vắng bóng OPEC, các nước có thể bơm hết công suất, đồng nghĩa rằng họ không có nguồn cung dự phòng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Ví dụ, năm 2019, mỏ dầu Khurais đã bị máy bay không người lái tấn công, khiến sản lượng của Arab Saudi sụt giảm 5,7 triệu thùng/ngày. Nếu không có OPEC, thị trường sẽ phải hứng chịu một cú sốc nguồn cung và giá dầu sẽ còn "nhảy múa" cao hơn so với thời điểm đó.

Trên thực tế, khi ấy một số nhà phân tích đã dự báo giá dầu Brent sẽ chạm mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, những chuyên gia bình tĩnh hơn thì cho rằng không có lý do gì để giá dầu tăng cao như vậy vì số nước thành viên OPEC+ có thể nâng sản lượng và ngành đá phiến Mỹ sẽ lấp đầy chỗ trống còn lại.

Trong báo cáo năm 2019, OIES khẳng định, "các dẫn chứng trong quá khứ cho thấy công suất dự phòng của OPEC đã góp phần giúp làm dịu giá dầu toàn cầu trong thời kỳ bất ổn".

"Trong một thế giới không có nguồn cung dự phòng của OPEC, giá dầu sẽ tăng thêm 110 USD/thùng từ con số 51,6 USD/thùng năm 2010 lên 161,7 USD/thùng năm 2012; còn trong thế giới thực với sự kiểm soát của liên minh này, giá dầu chỉ dao động quanh khoảng 30,7 USD/thùng", báo cáo kết luận.

Một báo cáo khác do Wall Street Journal thực hiện năm 2016 còn chỉ ra một kịch bản khác. Theo báo cáo này, trong giai đoạn 2014 - 2016, thị trường năng lượng từng sụp đổ một lần.

Khi đó, OPEC đã ngừng kiểm soát giá dầu và để mặc các nước thành viên tranh giành thị phần. Kết quả là, giá dầu lao dốc và doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm vốn đầu tư cho những dự án mới.

Đây vốn là những gì thường xảy ra trong mọi cuộc khủng hoảng dầu mỏ, song nếu không có OPEC, xu hướng này có thể trở thành thực tế của thị trường năng lượng, oilprice.com nhấn mạnh.

Giá dầu biến động mạnh và doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu sẽ khiến nguồn cung sụt giảm trong tương lai, Wall Street Journal nhận định trong báo cáo. May thay, OPEC đã quay trở lại thực hiện vai trò của mình, trước khi tình hình trở nên quá tệ.

(Theo Oilprice)