Thời hoàng kim của giới tỷ phú Trung Quốc đang đến hồi kết?

Vận may của giới siêu giàu Trung Quốc bỗng chốc đảo ngược khi chính phủ siết chặt kiểm soát các doanh nghiệp khổng lồ.

Sự tương phản giữa giới siêu giàu Mỹ và Trung Quốc khó có thể được thể hiện rõ ràng hơn những gì xảy ra trong ngày 4/7.

Tỷ phú Mark Zuckerberg đăng tải lên Instagram video vừa cầm quốc kỳ Mỹ vừa lướt ván, toát lên vẻ tự tin của người đàn ông trị giá 130 tỷ USD.

Còn tại Trung Quốc, chỉ vài giờ trước đó, giới quan chức vừa cấm ứng dụng gọi xe Didi khỏi cửa hàng ứng dụng. Vận may của nhà sáng lập Didi, vị doanh nhân ưu tú tưởng chừng được định sẵn để thách thức các tỷ phú Mỹ trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới, bỗng chốc đảo ngược.

Thời đại hoàng kim của giới siêu giàu Trung Quốc có vẻ như đang đi đến hồi kết.

Tài sản của 10 người giàu nhất thế giới tăng thêm 209 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Ngược lại, gia tài của các tài phiệt hàng đầu Trung Quốc trên Chỉ số Tỷ phú Bloomberg lại giảm 16 tỷ USD. Trong giai đoạn này, cổ phiếu của những công ty chủ chốt của họ lao dốc 13% dù cho thị trường chứng khoán đi lên.

Giá cổ phiếu Didi đã rớt 14% kể từ khi ra mắt sàn chứng khoán New York ngày 30/6. Tài sản của các nhà đồng sáng lập bốc hơi gần 800 triệu USD.

Đằng sau tổn thất của giới tinh hoa Trung Quốc là cuộc siết chặt quản lý của Bắc Kinh, bắt đầu từ khi cuộc IPO của Ant Group bị hoãn vào phút chót. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thắt chặt quy định trên một số khía cạnh quan trọng nhất của nền kinh tế nước này, từ dịch vụ tài chính đến hoạt động thu thập dữ liệu.

Cuối tuần trước, Trung Quốc tiết lộ dự thảo luật mới sẽ buộc gần như mọi công ty nội địa trải qua một cuộc đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết ở nước ngoài.

Động cơ của chính phủ Trung Quốc rất đa dạng. Chúng bao gồm lo ngại về hành vi phản cạnh tranh trong ngành công nghệ, rủi ro tới ổn định tài chính và sự lan tràn của thông tin cá nhân nhạy cảm trong tay các doanh nghiệp lớn.

Nhưng động lực khác đằng sau nhiều động thái mới nhất của chính phủ là mong muốn kiềm chế quyền lực của các ông chủ. Một số tỷ phú đã tạo dựng được sức ảnh hưởng khổng lồ lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn ngăn các tỷ phú nước này trở thành lực lượng mạnh mẽ như các chaebol do gia tộc vận hành đang thống trị nền kinh tế và nhiều lĩnh vực chính trị của Hàn Quốc.

Kết quả, một thời đại mới đã mở ra đối với giới tỷ phú Trung Quốc và các nhà đầu tư ủng hộ họ. Đã qua rồi cái thời mà những tài phiệt như Jack Ma có thể tự tin bẻ cong quy định nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của công ty và thách thức những lợi ích cố hữu như các ngân hàng quốc doanh.

Sức hấp dẫn lớn với công chúng thường được coi là tài sản quý đối với các nhà sáng lập công ty công nghệ giờ lại trở thành gánh nặng. Chiến lược mới của giới siêu giàu Trung Quốc đòi hỏi tôn trọng chính phủ hơn, tăng cường làm thiện nguyện và chú ý nhiều hơn đến phúc lợi của nhân viên thông thường, ngay cả khi làm tổn hại đến lợi nhuận.

Các tỷ phú Trung Quốc dường như đã bắt đầu hiểu ra mình cần phải làm gì. Sau bài phát biểu chỉ trích cơ quan quản lý tài chính năm ngoái, Jack Ma giờ hiếm khi xuất hiện trước công chúng, sống ẩn dật và dành nhiều thời gian làm từ thiện. 

Ông Colin Huang, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Pinduoduo, đã từ bỏ vị trí Chủ tịch và CEO và quyên góp số cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD. Hồi tháng 5, nhà sáng lập ByteDance là ông Zhang Yiming cũng thông báo sẽ trao lại chức vụ CEO và dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện trong giáo dục.

Ông Wang Xing, Chủ tịch hãng giao đồ ăn Meituan, hầu như tránh xa ánh mắt công chúng sau khi đăng bài thơ cổ bị một số người coi là có ý ngầm chỉ trích chính phủ. Nguồn tin của Bloomberg cho biết các quan chức Bắc Kinh đã khuyên ông Xing trở nên lặng lẽ hơn.

Bắc Kinh có nhiều công cụ để kiểm soát các tỷ phú, trong đó có cả giam giữ, theo Bloomberg. Các biện pháp thông thường hơn gồm điều tra bởi cơ quan chống độc quyền, an ninh mạng và các nhà quản lý khác. Chính phủ cũng sử dụng những biện pháp "mềm" như chiến dịch truyền thông nhà nước.

Không chỉ doanh nhân công nghệ mà các tỷ phú bất động sản Trung Quốc cũng nhận thấy áp lực ngày càng gia tăng. Giới chức trách đã dần dần hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngành bất động sản để giảm thiểu rủi ro tới hệ thống tài chính.

Ông Hui Ka Yan, Chủ tịch Tập đoàn Evergrande China là một trong những người thiệt hại lớn nhất năm nay. Tài sản của ông giảm 6,7 tỷ USD khi giá cổ phiếu Evergrande lao dốc do nhà đầu tư lo ngại về thanh khoản của công ty.

Dấu hiệu khác cho thấy tầm ảnh hưởng suy giảm của các tài phiệt là tỷ lệ bổ nhiệm trong lĩnh vực chính trị của họ ngày càng thấp. Dữ liệu từ Hurun Report cho thấy các doanh nhân giàu có chỉ chiếm 5,8% số đại biểu trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội Nhân dân Toàn quốc. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong 8 năm qua và giảm mạnh so với con số 15,3% trong 2013.

Ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Hurun Report cho biết: "Đã có sự thay đổi trong tư duy rằng những người nào nên được ở trong bộ máy chính trị. Giới doanh nhân ngày càng gặp khó".

Ông Chen Long, đối tác của công ty tư vấn Plenum nhận định doanh nhân Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận "bình thường mới".

"Thời kỳ tăng trưởng điên cuồng đã không còn nữa", ông nhận xét. 

(Theo Bloomberg)