Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Thử thách của Fed: Trung bình lạm phát mất 10 năm để quay về mức 2%

Lịch sử cho thấy khi lạm phát vượt quá con số 5% tại các nền kinh tế tiên tiến thì trung bình các nước này mất 10 năm để đưa lạm phát trở về mức 2%.

Trong hơn một năm qua, phần lớn các chuyên gia và nhà đầu tư đã liên tục đánh giá sai lầm bản tính dai dẳng của lạm phát. Bây giờ, họ có thể đang tiếp tục bỏ lỡ một thực tế quan trọng khác.

Theo ông Thanos Vamvakidis, chuyên gia của Bank of America Securities tại Anh, lịch sử cho thấy một khi vượt quá 5% thì trung bình lạm phát phải mất đến 10 năm để quay trở lại mốc 2%. Con số này được rút ra từ dữ liệu thu thập trong hàng chục năm từ các nền kinh tế tiên tiến.

Ông Vamvakidis chỉ ra rằng khoảng thời gian này dài hơn nhiều dự đoán phổ biến hiện nay là lạm phát tại các nước G-10 sẽ giảm còn 2% vào năm 2024. 

Lưu ý của Bank of America được công bố cùng ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và tiết lộ hướng đi khả dĩ của lãi suất trong tương lai. Lưu ý chỉ ra rằng các nhà đầu tư có thể đang một lần nữa đánh giá thấp quyết tâm mà các nhà hoạch định chính sách cần có để khống chế lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.

SEI, công ty quản lý tài sản có quy mô 1.300 tỷ USD, dự đoán có nhiều khả năng chu kỳ tăng lãi suất sẽ kết thúc trong khoảng 4,5-5% - gấp đôi lãi suất chính sách trước khi Fed ra động thái mới nhất.

Lạm phát toàn phần của Mỹ đo lường theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã duy trì trên 8% trong suốt nhiều tháng. Lạm phát lõi, bỏ qua chi phí năng lượng và thực phẩm đầy biến động, không hề cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt nào trong dữ liệu tháng 8.

Trong tháng 7, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chững xuống mức 6,3%, còn chỉ số PCEPI lõi tăng 4,6% so với một năm trước.

Ông Vamvakidis viết: “Quan điểm đồng thuận của các chuyên gia hiện nay quá lạc quan. Trong kịch bản tích cực, lạm phát sẽ bắt đầu đi đúng hướng với tốc độ đủ để các ngân hàng trung ương tránh được cú hạ cánh cứng, dù tiếp tục duy trì trên 2% trong trung hạn.

Trong kịch bản tiêu cực, lạm phát cao dai dẳng và cứng đầu, buộc các ngân hàng trung ương phải hạ cánh cứng [tức là khiến tăng trưởng giảm mạnh và có thể gây ra suy thoái]". 

Ông cho biết thêm: “Chúng tôi vẫn đang đặt cược vào kịch bản tích cực, nhưng rủi ro của kịch bản tiêu cực đang gia tăng. Lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh, thị trường lao động quá mạnh, lãi suất chính sách thực vẫn cách xa giá trị dương, chính sách tài khóa lỏng lẻo, các nhà hoạch định chính sách không hề bàn luận đến các cuộc cải cách mang tính cấu trúc”.

Trong biên bản cuộc họp tháng 7, giới chức Fed thừa nhận rằng nhiều khả năng lạm phát vẫn sẽ cao đến mức đáng ngại. Một số quan chức còn ám chỉ rằng lãi suất cần được đưa lên và giữ nguyên ở mức kìm hãm tăng trưởng “trong một khoảng thời gian” để khống chế lạm phát, theo tờ MarketWatch.

Sau khi Fed ra thông báo tăng lãi suất chiều ngày 21/9, cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống, Dow Jones mất hơn 500 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm bật tăng lên mức gần với đỉnh 15 năm.

(Theo MarketWatch)

Chia sẻ: