Một ngày sau, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi tiếp một bức thư trang trọng cảm ơn Tổng thống Donald Trump và để ngỏ khả năng đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ về mức 0%, tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, kiểm soát xuất xứ hàng hóa và mời ông Trump sớm thăm Việt Nam.
Đến ngày 9-4, Văn phòng Tổng thống Donald Trump ra thông báo hoãn áp thuế và gia hạn 90 ngày cho tất cả đối tác trừ Trung Quốc. Từ ngày 6 đến 11-4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc có chuyến công du và làm việc tại Mỹ, gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent. Có thể nói rằng những ngày, tháng tới đây chắc hẳn sẽ là khoảng thời gian rất bận rộn của các nhà đàm phán cả hai nước.


Từ khi vấn đề thuế đối ứng phát sinh đến nay, đã có rất nhiều ý kiến, bài viết hiến kế nhằm giúp Việt Nam ứng phó với bài toán thuế quan. Tuy nhiên, nhóm tác giả thấy rằng vẫn chưa có câu trả lời toàn diện/thỏa đáng cho vấn đề. Nhằm góp phần làm sáng tỏ bức tranh thuế quan này, từ đó phân tích các cơ hội và tìm lời giải căn cơ cho bài toán thuế của chính quyền ông Trump, nhóm tác giả trình bày tập trung vào bốn luận điểm chính sau đây.
Thứ nhất là công thức tính mức thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra là không thực sự hợp lý. Việc áp dụng công thức tính này dường như ngầm giả thiết nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân Mỹ đối với mọi hàng hóa là như nhau, giả thiết này khá phi thực tế và có phần phi lý (hình 1). Một trong những tác giả được trích dẫn công thức tính mức thuế trên dường như cũng “giật mình”. Ngày 4-4-2025, trên trang cá nhân của mình, Giáo sư kinh tế Brent Neiman, tác giả của công thức đã lên tiếng, cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng sai công thức tính thuế đối ứng(1). Theo ông, mức thuế đáng lẽ phải thấp hơn nhiều, có thể chỉ là một phần tư mức thuế chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố. Đây có thể coi là một cơ sở tốt để đàm phán sắp tới.
Thứ hai là về mặt nguyên lý, thương mại sẽ làm cho các quốc gia trở nên giàu có hơn. Mọi biện pháp thuế quan nhằm kìm hãm hoạt động thương mại có thể làm tổn hại đến nền kinh tế hai bên. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump lập luận rằng cần phải áp thuế đối ứng để cân bằng thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác. Lưu ý rằng việc thâm hụt thương mại không chỉ phụ thuộc vào mức thuế suất mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Sử dụng bảng cân đối liên ngành (bảng I.O) năm 2023 của Mỹ(2) để hiểu nhân tố nào của cầu cuối cùng trong nước ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ nhiều nhất, điều thú vị là trong các nhân tố của cầu cuối cùng trong nước, không phải tiêu dùng cuối cùng và chi tiêu Chính phủ gây nên nhập khẩu nhiều nhất mà chính là đầu tư và xuất khẩu (hình 2). Điều này hàm ý nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump dùng công cụ thuế quan dường như không làm giảm nhập siêu một cách hiệu quả. Phải chăng đây có thể là bằng chứng quan trọng để đàm phán thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump thay đổi mức thuế.
Thứ ba là quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc không lớn như chúng ta nghĩ. Số liệu năm 2023 cho thấy tổng giá trị thương mại hai chiều hai quốc gia này là 575 tỉ đô la Mỹ, trong đó Mỹ và Trung Quốc nhập khẩu 427 và 279 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ (chỉ chiếm 1,54% và 1,56% tổng quy mô GDP)(3). Cho nên việc hai cường quốc áp thuế nhau không ảnh hưởng gì nhiều đến họ. Tuy nhiên, với chúng ta thì khác, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 97,02 tỉ đô la, chiếm 22,5% tổng GDP. Con số này rõ ràng cho thấy thị trường Mỹ khá quan trọng với Việt Nam.
Tuy nhiên trong kịch bản xấu nhất (Mỹ không thay đổi mức thuế), bằng tính toán chi tiết, tác động kinh tế từ thuế quan này cũng không phải quá đáng ngại. Điều này có thể làm GDP giảm khoảng trên dưới 1%. Điều quan trọng là Mỹ đánh thuế 46% thì cơ bản ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chú ý rằng theo số liệu thống kê năm 2024, khối FDI chuyển tiền về nước khoảng 24 tỉ đô la. Tính toán từ bảng I/O của Việt Nam cho thấy, trong 100 đồng xuất khẩu, phía Việt Nam thu về khoảng 14 đồng. Thậm chí trong cái “nguy” còn có “cơ”, đó là áp lực cần thiết để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế như chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh chuyển đổi số, tinh giản bộ máy làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Thứ tư, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng một nền tảng quan hệ tốt đẹp. Kể từ dấu mốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Việt Nam - Mỹ có một quá trình hàn gắn và phục hồi quan hệ ngoại giao một cách thần kỳ. Đỉnh cao của nấc thang ngoại giao là hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023. Đây chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Mỹ có thể ngồi vào đàm phán để giải quyết những vấn đề thâm hụt thương mại trong thời gian tới.
Như vậy, có thể nhận thấy dư địa đàm phán về thuế quan của hai quốc gia là khá lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, cần xây dựng nền kinh tế tự cường để có thể đứng vững trước mọi cú sốc. Cụ thể, nên quản lý nền kinh tế theo tinh thần trọng cung trong chỉ đạo điều hành nhằm nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Hai là, ban hành chính sách với tinh thần kiến tạo, cư xử công bằng, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thông qua tiếp cận vốn, giảm thuế, phí, không chỉ giảm thuế giá trị gia tăng mà giảm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, hết sức hạn chế các loại phí và phạt. Ba là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do và thiết kế sân chơi phù hợp. Bốn là, cân bằng giữa bảo hộ và mở cửa, nghiên cứu và áp dụng các chính sách bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất. Năm là, tăng cường hàm lượng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm trong nước và phát triển bền vững.

Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 16/04
- 16/04/2025
3.
Nhận định xu hướng giá vàng tuần mới
- 14/04/2025
4.
5.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 09/04
- 09/04/2025