Tổng thống Biden ký luật nâng mức trần nợ công nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Năm (14/10 giờ Mỹ) đã ký luật tạm thời nâng hạn mức vay của chính phủ lên 28,9 nghìn tỷ USD, đẩy thời hạn vỡ nợ đến tháng 12.

Động thái này tạm thời ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo là sẽ gây ra tổn hại “không thể khắc phục được” cho nền kinh tế. Chính phủ Mỹ sẽ hết khả năng chi trả nợ sau ngày 18/10 nếu dự luật không được thông qua.

Mức tăng 480 tỷ đô la trong hạn mức vay mà Tổng thống Biden đã ký dự kiến ​​sẽ hết vào ngày 3/12. Sau đó, Quốc hội Mỹ sẽ phải xem xét lại vấn đề trần nợ.

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã tranh cãi trong nhiều tuần về việc thông qua dự luật nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử này. Thượng viện Mỹ cuối cùng vẫn bỏ phiếu thông qua dự luật hôm 7/10 với tỷ lệ 50-48.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã viết trong một bức thư gửi cho TT Biden sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện rằng ông sẽ không giúp đảng Dân chủ một lần nữa trong việc nâng giới hạn nợ.

TNS McConnell muốn các đảng viên Dân chủ sử dụng một động thái thủ tục được gọi là hòa giải (reconciliation), tức không cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa, để nâng thẩm quyền vay nợ. Tuy vậy, các đảng viên Dân chủ đã bác bỏ điều này.

Sau khi áp lực trần nợ được tạm thời ngăn chặn, các nhà lập pháp lại tiếp tục tranh luận về hai dự luật chi tiêu của Đảng Dân chủ – kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô la với gần 550 tỷ đô la cho các khoản chi tiêu mới, và kế hoạch 3,5 nghìn tỷ đô la bao gồm chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc trẻ em, giáo dục, các chương trình mạng an toàn và môi trường. Cả hai dự luật này đều phù hợp với các ưu tiên trong chính sách của ông Biden.

(Theo trithucvn.org)