Tham khảo thông tin về nhóm tín hiệu VIP của Invest318

Trung Quốc thâm hụt tài khóa gần 1.000 tỷ USD, có thể phải vay thêm nợ để hỗ trợ nền kinh tế

Các nhà phân tích cho biết, tình trạng thiếu tiền mặt của chính phủ Trung Quốc đang trở nên ngày một tồi tệ. Bắc Kinh có thể phải phát hành thêm nợ để giải cứu nền kinh tế.

Thâm hụt tài khóa ước tính gần 1.000 tỷ USD

Chia sẻ với CNBC, ông Ting Lu, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Nomura, cho hay: “Làn sóng COVID mới nhất và đợt phong tỏa trên diện rộng kể từ giữa tháng 3 đã khiến doanh thu của chính phủ, bao gồm cả doanh thu bán đất, sụt giảm nghiêm trọng”.

Nomura ước tính, Trung Quốc đang bị thâm hụt tài khóa khoảng 6.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 895,5 tỷ USD), trong đó bao gồm 2.500 tỷ nhân dân tệ doanh thu bị hụt do chính sách hoàn thuế và sản xuất kinh tế đình trệ, và 3.500 tỷ nhân dân tệ khác do doanh thu bán đất lao dốc.

Các nhà phân tích của Nomura nhấn mạnh: “Sắp tới, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc thúc giục các ngân hàng chính sách đẩy mạnh hoạt động cho vay để kích thích kinh tế. Bắc Kinh sẽ sử dụng các biện pháp này để lấp đầy khoản thâm hụt tài chính kể trên”.

Dữ liệu kinh tế tháng 4 cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang yếu đi do các biện pháp dập dịch hà khắc của chính phủ. Tại một cuộc họp toàn quốc hiếm hoi vào tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ở một số lĩnh vực, khó khăn thậm chí còn lớn hơn năm 2020.

Nga cả trước đợt bùng phát COVID mới nhất, doanh số bán đất - một nguồn thu quan trọng của chính quyền các địa phương, đã lao dốc sau cuộc trấn áp của Bắc Kinh đối với các nhà phát triển bất động sản nặng nợ.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương cũng tiến hành cắt giảm và hoàn thuế để củng cố tăng trưởng, theo chỉ thị của Bắc Kinh. Điều này khiến doanh thu của họ giảm sút đáng kể so với trước.

Nomura và các hãng phân tích khác không tiết lộ cụ thể là Trung Quốc cần phát hành thêm bao nhiêu nợ. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng do áp lực đối với nền kinh tế tỷ dân ngày càng nghiêm trọng, Bắc Kinh sẽ rất cần củng cố tăng trưởng bằng nợ.

Nếu không cắt giảm và hoàn thuế, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết doanh thu tài khóa của các địa phương đã tăng 5,4% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này nói, 8 trong 31 khu vực cấp tỉnh đã chứng kiến doanh thu tài khóa sụt giảm trong giai đoạn đó, nhưng không nêu tên cụ thể.

Dữ liệu không đầy đủ từ nền tảng Wind Information cho thấy, Thanh Hải, Sơn Đông, Liêu Ninh, Hà Bắc, Quý Châu, Hồ Bắc, Hồ Nam và Thiên Tân đều báo cáo doanh thu tài khóa đi xuống trong quý I năm nay. Năm 2021, Tây Tạng là khu vực cấp tỉnh duy nhất chứng kiến sự sụt giảm doanh thu tài khóa.

Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm kinh tế trưởng của hãng tư vấn Pinpoint Asset Management, cho biết “điểm cần lưu ý là việc doanh thu tài khóa lao dốc không chỉ xảy ra ở các thành phố bị phong tỏa”.

Giữa tháng 5, ông Zhang bày tỏ: “Một số thành phố không có Omicron bùng phát cũng bị ảnh hưởng, vì nền kinh tế của họ có liên quan đến các thành phố đang bị phong tỏa. Thiệt hại kinh tế không chỉ giới hạn ở một vài địa phương, mà là cả quy mô quốc gia”.

Trung tâm công nghệ Thâm Quyến là một trong số ít địa phương đã công bố dữ liệu tài khóa chính thức. Theo đó, doanh thu tài khóa trong tháng 4 của Thâm Quyến sụt 44% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 25,53 tỷ nhân dân tệ. Tháng 3 ghi nhận mức giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 22,95 tỷ nhân dân tệ.

“Các chính quyền địa phương phải đối mặt với áp lực tài khóa ngày càng lớn. Chi tiêu tăng nhưng doanh thu giảm mạnh”, ông Zhang nhấn mạnh. “Doanh thu bán đất cũng cắm đầu. Tôi nghĩ chính quyền trung ương có thể cần phải điều chỉnh lại ngân sách tài khóa và cấp thêm nợ để giúp đỡ các địa phương”.

Áp lực chi tiêu cho cơ sở hạ tầng

Bà Susan Chu, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings, lo ngại hơn về khoản thâm hụt tài khóa của Trung Quốc. Bà nói, việc bán đất không tạo ra áp lực thâm hụt, mà “áp lực lớn hơn sẽ đến từ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế”.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng 5, bà Chu cho hay: “Thâm hụt tài khóa phình to đồng nghĩa rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tăng vay nợ hoặc chịu gánh nặng nợ nần trong tương lai”.

Mặc dù vị chuyên gia của S&P Global Ratings không dự đoán Trung Quốc sẽ lại vay nợ vượt ngân sách, nhưng đây là một tín hiệu quan trọng mà các nhà kinh tế cần theo dõi để đánh giá rủi ro thực tế.

Cuối tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi toàn quốc dốc toàn lực phát triển cơ sở hạ tầng, từ hệ thống đường thủy cho đến điện toán đám mây. Hiện, không rõ quy mô hay khung thời gian mà các dự án này dự kiến bắt đầu.

Ông Jack Yuan, Phó Chủ tịch tại Moody’s Investors Service, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC: “Năm nay, Trung Quốc sẽ có rất ít tiền để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng”.

Theo ông Yuan, kể từ khi doanh thu bán đất trở thành một nguồn quan trọng để chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng, thì việc doanh số bán đất đi xuống và lượng trái phiếu đặc biệt phát hành mới tăng khiêm tốn sẽ hạn chế các lựa chọn tài chính cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.

“Chúng tôi tin rằng khối nợ của chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phình to trong năm nay do các áp lực kinh tế hiện tại”, ông Yuan nói. Song, vị chuyên gia lưu ý rằng công chúng vẫn phải xem Bắc Kinh sẽ quyết định cân bằng tăng trưởng kinh tế với mức nợ năm nay ra sao.

(Theo CNBC)

Chia sẻ: