Từ trái phiếu đến đồng Nhân dân tệ: Những “vũ khí” của Trung Quốc trong cuộc đối đầu Mỹ
- byInvest318
- Th11 15, 2024
Sau 6 năm kể từ khi Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên với Trung Quốc, vị tổng thống đắc cử này đã bổ nhiệm nhiều nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào chính quyền. Ông còn đe dọa áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc - mức thuế có thể gây tổn thất nặng nề cho thương mại giữa hai nước. Thách thức hiện nay của Trung Quốc là do thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ, khiến các biện pháp đối phó trực tiếp có thể kém hiệu quả.
"Chiến tranh thương mại đơn thuần và các biện pháp đối phó qua lại không thể giải quyết đầy đủ những khác biệt Trung-Mỹ trong tương lai", ông Wang Wen, Phó viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân nói.
Các lựa chọn thay thế mà Bắc Kinh có được không hoàn toàn tránh khỏi tác động ngược lại với chính họ. Đây là mối lo ngại lớn khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Tân Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Bán trái phiếu Chính phủ Mỹ
Đòn đánh có thể gây tổn thất lớn nhất của Trung Quốc là bán ra toàn bộ hoặc phần lớn kho trái phiếu Chính phủ Mỹ - hiện đạt khoảng 734 tỷ USD. Động thái này có thể đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và gây rối loạn thị trường tài chính toàn cầu.
Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã giảm hơn 1/3 lượng nắm giữ trực tiếp khoản nợ này. Xu hướng đa dạng hóa đầu tư có thể khiến việc bán ra tiếp diễn, nhất là sau khi phương Tây phong tỏa một phần dự trữ ngoại hối của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Rủi ro: Việc bán đột ngột trái phiếu Mỹ sẽ làm giá trái phiếu giảm mạnh, khiến giá trị tài sản của chính Trung Quốc sụt giảm và giảm giá trị dự trữ ngoại hối. Nó cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Mỹ nhờ đồng đô la yếu đi.
Làm yếu đồng Nhân dân tệ
Nhân dân tệ giảm giá sẽ giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn và giảm bớt tác động từ thuế quan tiềm tàng. Trong cuộc chiến thương mại đầu tiên năm 2018 và 2019, nhân dân tệ mất giá 11.5% so với đồng đô la và bù đắp được khoảng hai phần ba mức tăng thuế quan, theo phân tích của các nhà kinh tế Morgan Stanley.
Theo khảo sát của Bloomberg sau cuộc bầu cử Mỹ tháng này, hơn một nửa số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể làm yếu nhân dân tệ để đáp trả thuế quan tiềm tàng của Trump.
Rủi ro: Nhân dân tệ yếu đi sẽ đẩy thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc lên cao hơn và khiến các đối tác khác tức giận. Họ có thể đáp trả bằng thuế quan để giải quyết mất cân bằng trong thương mại toàn cầu.
Hạn chế khoáng sản thiết yếu
Mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu gali và gecmani - hai kim loại quan trọng đối với ngành bán dẫn, viễn thông và xe điện. Động thái này được xem là nỗ lực tạo đòn bẩy để thúc đẩy Nhà Trắng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát của họ.
Rủi ro: Các đối tác thương mại có thể không còn xem Trung Quốc là nhà cung cấp đáng tin cậy và tìm nguồn thay thế, đẩy nhanh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Nhắm vào các công ty Mỹ
Kể từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, Bắc Kinh đã ban hành các luật mới như "danh sách thực thể không đáng tin cậy" và "luật chống trừng phạt nước ngoài" để nhắm vào các công ty hoặc cá nhân mà họ cho là gây tổn hại đến sự phát triển của Trung Quốc.
Rủi ro: Mỹ có thể dễ dàng trả đũa bằng cách nhắm vào các công ty Trung Quốc. Tẩy chay tiêu dùng do chính phủ hậu thuẫn có thể leo thang nhanh chóng và vượt tầm kiểm soát.
Xây dựng liên minh
Trung Quốc đã lôi kéo các đồng minh truyền thống của Mỹ, một phần nhằm giảm bớt tác động từ mối quan hệ xấu đi với đối tác thương mại lớn nhất. Từ việc tuyên bố muốn "khởi đầu mới" với Nhật Bản đến hòa dịu với Ấn Độ, các quan chức Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt căng thẳng ngoại giao.
Rủi ro: Các nước sẽ muốn hưởng lợi từ sự đối đầu Mỹ-Trung và sẽ miễn cưỡng chọn phe.
Lịch kinh tế
Tiêu điểm nhận định
1.
2.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 21/11
- 21/11/2024
3.
4.
Nhận định xu hướng giá vàng ngày 19/11
- 19/11/2024