Việc Trung Quốc hạ lãi suất báo hiệu 'chu kỳ nới lỏng mạnh mẽ đang mở ra'

Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần phải nới lỏng chính sách hơn nữa nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2022.

Đợt cắt giảm lãi suất cơ bản kỳ hạn một năm đầu tiên của Trung Quốc sau 20 tháng cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc ổn định tăng trưởng kinh tế năm sau. Nhưng các nhà kinh tế vẫn chia rẽ về việc liệu những biện pháp nới lỏng như vậy có hiệu quả không trong khi các nước phương Tây lại đang thắt chặt tiền tệ.

Theo South China Morning Post, một số nhà phân tích kêu gọi Bắc Kinh mở ví rộng hơn nữa để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh Trung Quốc có thể sẽ phải chật vật bảo vệ tốc độ tăng trưởng 5% trong 2022.

Hôm 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm từ 3,85% xuống 3,8%. Trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm vẫn giữ nguyên ở mức 4,65%. Theo Reuters, lãi suất của hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc được xác định dựa trên LPR một năm, còn LPR 5 năm ảnh hưởng đến các khoản vay thế chấp mua nhà.

PBoC đồng thời bán 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày và 10 tỷ nhân dân tệ hợp đồng 14 ngày. Hai hợp đồng này thường được sử dụng làm công cụ bơm thanh khoản và động thái của PBoC giúp giữ cho lãi suất không đổi, lần lượt ở mức 2,2% và 2,35%.

Ông Wei Yao, nhà kinh tế trưởng châu Á tại công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale viết trong lưu ý: "Không nghi ngờ gì nữa, chu kỳ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ đang mở ra, dù hiện tại vẫn còn dè dặt". 

Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau tác động ban đầu của đại dịch COVID-19 đầu năm 2020, nhưng động lực kinh tế đã suy giảm trong những tháng gần đây vì hàng loạt lực cản, bao gồm khủng hoảng năng lượng, giá vận chuyển và nguyên liệu thô đắt đỏ.

Tuần vừa rồi, Trung Quốc cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ thanh khoản cho hệ thống liên ngân hàng. Tuần trước nữa, Trung Quốc hạ lãi suất tái cấp vốn.

Nhà kinh tế Wei Yao đánh giá việc cắt giảm LPR là hành động hấp tấp, cho rằng nguyên nhân là lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về tăng trưởng GDP.

"Các biện pháp Bắc Kinh đã tung ra đến thời điểm này – về tiền tệ, tín dụng và tài khóa – vẫn có vẻ chưa đủ để ổn định tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới. Do đó, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm những động thái khác".

Rủi ro kinh tế mới như Omicron và tác động "lan tỏa" từ việc Mỹ siết chặt tiền tệ và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do căng thẳng thương mại với Mỹ đã buộc giới lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh vào tính ổn định cho năm sau.

"Ổn định" với kinh tế Trung Quốc có nghĩa là duy trì phạm vi tăng trưởng GDP hợp lý, bảo vệ các thực thể thị trường và thị trường lao động, đặt trọng tâm vào các biện pháp phản chu kỳ, tung ra chính sách ngay từ đầu năm và thúc đẩy các dự án xây dựng phù hợp.

Ông Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank, cho rằng các nhà chức trách nên xem xét hạ lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) nếu hoạt động kinh tế tiếp tục chậm lại trong quý tới. Đây là loại lãi suất chủ yếu mà PBoC dùng để cho các ngân hàng thương mại vay.

"Chúng ta phải chớp lấy cơ hội này ngay vì đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed chỉ còn cách một hoặc hai quý nữa".

Fed đã tăng tốc cắt giảm bơm tiền và có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến ban đầu để chống lại lạm phát. Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất điều hành lên thêm 15 điểm cơ bản vào tuần trước, South China Morning Post cho biết. 

Nhà phân tích Tao Chuan của Soochow Securites nói rằng quyết định cắt LPR đánh dấu sự phân hóa hơn nữa trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc với Mỹ, và nước này vẫn có thể cắt giảm MLF hay hoạt động thị trưởng mở trong quý tiếp theo.

"Chúng ta đang đối diện với áp lực suy giảm cực lớn trong quý I/2022", ông nhấn mạnh. "Chỉ giảm 5 điểm cơ bản đối với LPR kỳ hạn một năm là không đủ".

Việc giữ nguyên LPR kỳ hạn 5 năm cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng cách tiếp cận riêng biệt đối với lĩnh vực bất động sản và ưu tiên các dự án xanh và bền vững, giới phân tích đánh giá.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã phân bổ hạn mức 1.400 tỷ nhân dân tệ trái phiếu mục đích đặc biệt của năm sau cho các chính quyền địa phương. Tiền thu về sẽ được dùng trong 9 lĩnh vực, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, logistics, nhà ở giá cả phải chăng và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Xu Hongcai phát biểu với truyền thông vào tuần trước: "Chúng tôi sẽ đảm bảo hạn mức được sự dụng để hỗ trợ kinh tế vĩ mô trong quý I/2022".

(Theo South China Morning Post)