1. CÁC MÔ HÌNH NẾN ĐẢO CHIỀU TĂNG
1.1. Hammer
Hammer là mô hình nến đơn, khi mô hình nến Hammer xuất hiện trong xu hướng giảm thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng tăng.
Nhận dạng Hammer:
- Bóng trên không có hoặc rất ngắn.
- Thân nến nhỏ, có thể là nến tăng hoặc nến giảm.
- Bóng dưới dài gấp 2 đến 3 lần thân nến.
Ý nghĩa của Hammer:
- Khi thị trường mở cửa, phe bán đã kiểm soát và đẩy giá xuống rất thấp.
- Ở đỉnh điểm của phe bán (lúc giá thấp nhất), áp lực mua khổng lồ xuất hiện và đẩy giá cao hơn.
- Áp lực mua quá mạnh đến nỗi giá đóng cửa về sát với giá mở cửa (bóng dưới không có hoặc rất ngắn).
Tóm lại, mô hình nến Hammer cho thấy sự từ chối của giá thấp hơn, lực bán đã suy yếu và xu hướng có thể đảo chiều.
1.2. Dragonfly Doji
Dragonfly Doji là mô hình nến đơn, khi mô hình nến Dragonfly Doji xuất hiện trong xu hướng giảm thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng tăng.
Nhận dạng Dragonfly Doji:
- Không có thân nến, giá mở cửa và đóng cửa trùng nhau và chính là giá cao nhất trong phiên.
- Bóng dưới dài.
Ý nghĩa của Dragonfly Doji:
- Khi thị trường mở cửa, phe bán đã kiểm soát hoàn toàn và đẩy giá xuống rất thấp.
- Ở đỉnh điểm của phe bán (lúc giá thấp nhất), áp lực mua khổng lồ xuất hiện đẩy giá lên lại và đóng cửa ngay tại giá mở cửa cũng chính là giá cao nhất.
Mô hình nến Dragonfly Doji cho thấy phe mua kiểm soát hoàn toàn trong những phiên giao dịch sau, bóng dưới càng dài càng thể hiện lực mua mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng cao.
1.3. Bullish Engulfing
Bullish Engulfing là mô hình 2 nến, khi mô hình nến Bullish Engulfing xuất hiện trong xu hướng giảm thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng tăng.
Nhận dạng Bullish Engulfing:
- Nến đầu tiên là cây nến giảm.
- Nến thứ 2 là cây nến tăng.
- Thân nến thứ 2 hoàn toàn che phủ thân nến đầu tiên.
Ý nghĩa của Bullish Engulfing:
- Ở cây nến đầu tiên, phe bán đang kiểm soát khi họ đẩy giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa.
- Ở cây nến thứ hai, áp lực mua mạnh đã bước vào và đẩy giá đóng cửa cao hơn cây nến đầu tiên – điều này cho biết phe mua đã chiến thắng trong trận chiến kể từ bây giờ.
Mô hình 2 nến Bullish Engulfing cho bạn biết phe mua đã áp đảo phe bán và hiện đang kiểm soát cuộc chơi.
Đặc biệt: Mô hình nến Bullish Engulfing (gồm 2 nến) có thể trở thành mô hình nến Hammer (1 nến) trên khung thời gian lớn gấp 2 lần. Ví dụ Bullish Engulfing trên khung H1 trở thành Hammer trên khung H2.
1.4. Tweezer Bottom
Tweezer Bottom là mô hình 2 nến, khi mô hình nến Tweezer Bottom xuất hiện trong xu hướng giảm thì cảnh báo thị trường có thể đảo chiều sang xu hướng tăng.
Nhận dạng Tweezer Bottom:
- Cây nến đầu tiên là nến giảm và đuôi dưới dài, thân nhỏ.
- Cây nến thứ hai là nến tăng với đuôi dưới dài và giá đóng cửa ngang với giá mở cửa nến đầu tiên.
Ý nghĩa của Tweezer Bottom:
- Ở cây nến đầu tiên, phe bán đã đẩy giá xuống thấp hơn và gặp một số áp lực mua.
- Ở cây nến thứ hai, phe bán lại cố gắng đẩy giá xuống lần nữa nhưng không thành công, và cuối cùng bị áp đảo bởi áp lực mua mạnh.
Nói tóm lại, Tweezer Bottom cho bạn biết phe bán đang gặp khó khăn khi 2 lần cố đẩy thị trường giảm thêm nhưng không thành công và phe mua đã chiếm ưu thế. Nếu mở biểu đồ khung nhỏ hơn, bạn sẽ thấy một mô hình 2 đáy được hình thành.
1.5. Morning Star
Morning Star là mô hình 3 nến đảo chiều tăng, xuất hiện trong xu hướng giảm.
Nhận dạng Morning Star:
- Cây nến đầu tiên là một nến giảm mạnh.
- Cây nến thứ hai không có thân nến hoặc thân nến rất nhỏ (Doji, Hammer hoặc Spinning Top).
- Cây nến thứ ba là nến tăng, đóng cửa hơn 50% cây nến thứ nhất.
Ý nghĩa của Morning Star:
- Ở cây nến đầu tiên cho thấy, phe bán đang kiểm soát.
- Ở cây nến thứ hai, có sự thiếu quyết đoán trên thị trường vì cả áp lực mua và bán đều ở trạng thái cân bằng (đó là lý do tại sao thân nến nhỏ).
- Ở cây nến thứ ba, phe mua đã chiến thắng và đưa giá đóng cửa lên cao.
Nói tóm lại, Morning Star cho bạn biết phe bán đã kiệt sức và phe mua đang nắm quyền kiểm soát.
1.6. Những ví dụ thực tế về các mô hình nến đảo chiều tăng
Ví dụ 1: Cặp XAUUSD khung D1 với mô hình Morning Star.
Ví dụ 2: Cặp GBPUSD khung W1 với mô hình Bullish Engulfing.
Ví dụ 3: Cặp EURAUD khung D1 với mô hình Bullish Engulfing.
2. CÁC MÔ HÌNH NẾN ĐẢO CHIỀU GIẢM
2.1. Shooting Star
Shooting Star là mô hình nến đơn đảo chiều giảm, xuất hiện trong xu hướng tăng.
Nhận dạng Shooting Star:
- Bóng dưới không có hoặc rất ngắn.
- Thân nến nhỏ, có thể là nến tăng hoặc nến giảm.
- Bóng trên dài gấp 2 đến 3 lần thân nến.
Ý nghĩa của Shooting Star:
- Khi thị trường mở cửa, phe mua đã kiểm soát và đẩy giá lên cao hơn.
- Ở đỉnh điểm của phe mua (lúc giá cao nhất), áp lực bán khổng lồ xuất hiện và đẩy giá xuống thấp.
- Áp lực bán quá mạnh đến nỗi giá đóng cửa về sát với giá mở cửa (bóng dưới không có hoặc rất ngắn).
Tóm lại, Shooting Star cho thấy sự từ chối của giá cao hơn và phe bán chiếm ưu thế hơn phe mua.
2.2. Gravestone Doji
Gravestone Doji là mô hình nến đơn, khi mô hình nến Gravestone Doji xuất hiện trong xu hướng tăng thì cảnh báo xu hướng có thể đảo chiều thành xu hướng giảm.
Nhận dạng Gravestone Doji:
- Không có thân nến, giá mở cửa và đóng cửa trùng nhau và chính là giá thấp nhất trong phiên.
- Bóng trên dài.
Ý nghĩa của Gravestone Doji:
- Khi thị trường mở cửa, phe mua đã kiểm soát hoàn toàn và đẩy giá lên rất cao.
- Ở đỉnh điểm của phe mua (lúc giá cao nhất), áp lực bán khổng lồ xuất hiện đẩy giá xuống lại và đóng cửa ngay tại giá mở cửa cũng chính là giá thấp nhất.
Mô hình nến Gravestone Doji cho thấy phe bán kiểm soát hoàn toàn trong những phiên giao dịch sau, bóng trên càng dài càng thể hiện lực bán mạnh, khả năng đảo chiều xu hướng càng cao.
2.3. Bearish Engulfing
Bearish Engulfing là mô hình nến đôi đảo chiều giảm, xuất hiện trong xu hướng tăng.
Nhận dạng Bearish Engulfing:
- Nến đầu tiên là cây nến tăng.
- Nến thứ 2 là cây nến giảm.
- Thân nến thứ 2 hoàn toàn che phủ thân nến đầu tiên.
Ý nghĩa của Bearish Engulfing:
- Ở cây nến đầu tiên, phe mua đang kiểm soát khi họ đẩy giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa.
- Ở cây nến thứ hai, áp lực bán mạnh đã bước vào và đẩy giá đóng cửa thấp hơn cây nến đầu tiên – điều này cho biết phe mua đã chiến thắng trong trận chiến kể từ bây giờ.
Mô hình nến đôi Bearish Engulfing cho bạn biết phe bán đã áp đảo phe mua và hiện đang kiểm soát cuộc chơi.
Đặc biệt: Bearish Engulfing (gồm 2 nến) chính là Shooting Star (1 nến) trên khung thời gian lớn gấp 2 lần.
2.4. Tweezer Top
Tweezer Top là mô hình nến đôi đảo chiều giảm, xuất hiện trong xu hướng tăng.
Nhận dạng Tweezer Top:
- Cây nến đầu tiên là nến tăng và đuôi trên dài, thân nhỏ.
- Cây nến thứ hai là nến giảm với đuôi trên dài và giá đóng cửa ngang với giá mở cửa nến đầu tiên.
Ý nghĩa của Tweezer Top:
- Ở cây nến đầu tiên, phe mua đã đẩy giá lên cao hơn và gặp một số áp lực bán.
- Ở cây nến thứ hai, phe mua lại cố gắng đẩy giá lên nữa nhưng không thành công, và cuối cùng bị áp đảo bởi áp lực bán mạnh.
Nói tóm lại, Tweezer Top cho bạn biết phe mua đang gặp khó khăn khi 2 lần cố đẩy thị trường tăng lên nhưng không thành công và phe bánđã chiếm ưu thế.
Mô hình nến này khá hiếm, tuy nhiên nếu nó xuất hiện thì khả năng giao dịch thành công là rất cao.
2.5. Evening Star
Evening Star là mô hình bộ 3 nến đảo chiều giảm, xuất hiện trong xu hướng tăng.
Nhận dạng Evening Star:
- Cây nến đầu tiên là một nến tăng mạnh.
- Cây nến thứ hai không có thân nến hoặc thân nến rất nhỏ (Doji, Hammer hoặc Spinning Top).
- Cây nến thứ ba là nến giảm, đóng cửa hơn 50% cây nến thứ nhất.
Ý nghĩa của Evening Star:
- Ở cây nến đầu tiên cho thấy, phe mua đang kiểm soát.
- Ở cây nến thứ hai, có sự thiếu quyết đoán trên thị trường vì cả áp lực mua và bán đều ở trạng thái cân bằng (đó là lý do tại sao thân nến nhỏ).
- Ở cây nến thứ ba, phe bán đã chiến thắng và đưa giá đóng cửa xuống thấp.
Nói tóm lại, Evening Star cho bạn biết phe mua đã kiệt sức và phe bán đang nắm quyền kiểm soát.
2.6. Những ví dụ thực tế về các mô hình nến đảo chiều giảm
Ví dụ 1: Cặp EURUSD khung W1 với mô hình nến Evening Star.
Ví dụ 2: Cặp GBPUSD khung W1 với mô hình Bearish Engulfing.
Ví dụ 3:Cặp EURJPY khung D1 với mô hình Evening Star và Bearish Engulfing.
3. Lưu ý quan trọng khi giao dịch với các mô hình nến đảo chiều
3.1. Cần chờ nến đóng cửa để xác nhận chính xác mô hình nến đảo chiều
Khi giao dịch với các mô hình nến đảo chiều, bạn luôn cần chờ nến hiện tại ĐÓNG CỬA để xác định xem mô hình nến đảo chiều có được hình thành hay không, nếu có thì chính xác là mô hình nào?
Như bạn đã biết thì có rất nhiều khung giao dịch, phổ biến nhất trên các nền tảng giao dịch là M1, M5, M15, M30, H1, H4, D1, W1, và MN.
Trong các khung thời gian phổ biến trên, ngoại trừ khung H4 và D1 thì các khung thời gian còn lại rất dễ dàng xác định thời gian đóng nến.
Đối với khung H4 và D1, bạn cần biết được thời gian đóng cửa, mở cửa thị trường Forex theo giờ Việt Nam.
Nếu bạn giao dịch vào mùa hè - thu: Nến D1 sẽ đóng cửa vào 4h sáng và nến H4 đóng cửa vào các thời gian 0h, 4h, 8h, 12h, 16h và 20h (Theo giờ Việt Nam).
Nếu bạn giao dịch vào mùa đông - xuân: Nến D1 sẽ đóng cửa vào 5h sáng và nến H4 sẽ đóng cửa vào các thời gian 1h, 5h, 9h, 13h, 17h, và 21h (theo giờ Việt Nam)
3.2. Luôn đặt Stop loss
LUÔN ĐẶT STOP LOSS – Đó là lời khuyên tôi đã lặp đi lặp lại rất nhiều trên blog này.
Các mô hình nến đảo chiều tuy rất quan trọng nhưng nó cũng như những công cụ kỹ thuật khác – nó có xác suất thành công! Vì vậy bạn hãy luôn đặt Stop loss khi giao dịch các mô hình nến đảo chiều nhé.
3.3. Nên kết hợp mô hình nến đảo chiều với các công cụ khác
Như đã nói ở trên, các mô hình nến đảo chiều cũng là một công cụ kỹ thuật như bao công cụ khác. Để sử dụng hiệu quả, tăng xác suất thành công khi sử dụng mô hình nến đảo chiều thì bạn nến kết hợp với các công cụ kỹ thuật khác, ví dụ như hỗ trợ kháng cự, trendline, kênh giá, đường trung bình (MA), RSI, Bollinger Bands... mà tôi sẽ chia sẻ ở những bài viết sau.
Việc kết hợp các công cụ kỹ thuật với nhau rất đa dạng, tùy theo sở trường của bạn về các công cụ nhất định để đưa ra chiến lược phù hợp nhé.
Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm Kiến thức và Nhận định TẠI ĐÂY