Giá xăng dầu hôm nay 18/5: Dầu Brent giảm thêm hơn 1% vì triển vọng nguồn cung từ Venezuela

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay, với dầu Brent tiếp đà giảm mạnh, sau khi lao dốc 2% vào phiên trước vì báo cáo rằng Mỹ có thể nới lỏng một số hạn chế đối với chính phủ Venezuela, làm tăng triển vọng thị trường có thêm nguồn cung.

Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,15% lên 110,89 USD/thùng vào lúc 6h51 (giờ Việt Nam) ngày 18/5. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 7 giảm 1,26% xuống 112,8 USD/thùng. 

Sau khi lên cao nhất trong 7 tuần, giá dầu thô giảm 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/5), vì Reuters báo cáo rằng Mỹ có thể nới lỏng một số hạn chế đối với chính phủ Venezuela, làm tăng triển vọng thị trường có thêm nguồn cung.

Giá cũng giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế có thể bị tổn hại bởi những nỗ lực giảm lạm phát.

Lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, giá dầu Brent quốc tế thấp hơn giá dầu thô WTI của Mỹ.

Các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới đã tranh giành để tìm nguồn cung cấp năng lượng thay thế sau khi Nga tấn công Ukraine. Dự trữ của Mỹ đang giảm và điều đó đã làm tăng giá dầu thô tại Mỹ, ông Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow ở Houston, cho biết.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 2% xuống 111,93 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,6% xuống 112,4 USD.

Ông Powell cho rằng có thể tồn tại một số vấn đề kinh tế liên quan đến việc hạ nhiệt lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nền kinh tế hàng đầu thế giới cho đến khi rõ ràng rằng lạm phát đang giảm. 

Theo ông Phil Flynn, một nhà phân tích tại Price Futures Group, một số bình luận đó đã làm giảm nhu cầu mua vào dầu mỏ. 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ủy quyền cho công ty dầu khí Mỹ Chevron Corp đàm phán với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong ngày 17/5, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay.

Cũng theo nguồn tin, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc gia hạn giấy phép hiện tại của Chevron để hoạt động tại Venezuela.

Giá dầu nhìn chung đang tăng vì nguồn cung của Nga bị siết chặt bởi lệnh cấm từ một số quốc gia, và suy thoái kinh tế do các lệnh trừng phạt rộng rãi đối với Moscow do Mỹ và các đồng minh áp đặt.

Sản lượng của Nga đã giảm 9% trong tháng 4 và quốc gia này, một phần của OPEC+, đã sản xuất thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu của thỏa thuận nhằm nới lỏng mức giảm sản lượng kỷ lục được thực hiện trong thời kỳ đại dịch năm 2020.

(Theo Reuters)